23 - Qui luật XXI: Các bạn hãy thương yêu trong sự giản dị tuyệt đối. Các bạn đừng e sợ phải thương yêu

Qui luật XXI

Các bạn hãy thương yêu trong sự giản dị tuyệt đối.
Các bạn đừng e sợ phải thương yêu.

 

Bạn sẽ gặp những vị gọi là những nhà hiền triết, họ nói với bạn rằng tình thương nhân loại là một sự lầm lẫn và càng vun trồng nó thì bạn càng đi sâu vào ảo tưởng. Họ sẽ nói rằng Nhân Loại là một hình thức thoáng qua của Ðời Sống Ðại Ðồng của Vũ Trụ; rằng Quần Tiên Hội mà mục đích duy nhất là phụng sự Nhân Loại bị giam hãm trong một hình thức ảo tưởng, họ nói rằng sự mù quáng này ngăn cản không cho Quần Tiên Hội thấy được sự thật. Họ sẽ bảo với bạn rằng bạn phải tự giải thoát ra khỏi các tình thương, sự quyến luyến hình hài và bạn phải trọn vẹn rời xa những hình thể. Họ sẽ nói rằng tình thương và thù hận đều làm ta lầm lạc. Cái lý lẽ chánh yếu của họ là con người chỉ có thể chiếm lại Vương quốc tinh thần của mình bằng những kinh nghiệm của sự khó nhọc và sự đau khổ, rằng lòng từ bi, thiện cảm tỏ lộ với con người chỉ có thể kéo dài sự nô lệ của y ra thôi. Họ nói rằng, vì vậy, bạn phải từ bỏ mọi sự giúp đỡ, tất cả lòng thương xót đối với người và vật, và đừng bao giờ bạn hợp nhất với gia đình, nòi giống mình và với mọi hình thức tồn tại trong thời gian và không gian, bạn cũng đừng chịu nhận một dây liên hệ nào với chúng cả. Họ sẽ nói rằng Tâm Thức – Ðời Sống vẫn Trường Tồn và tất cả những gì biểu lộ cho kẻ có thần nhãn đều nhất thời phù du, và vì đó, Người Suy Ngẫm, Trường Tồn Bất Diệt là chính bạn đây, không bao giờ được phép vì yêu mến hay thương xót mà quyến luyến một hình thể hồng trần nào [9].

[9] Ở xứ ta không có hạng người nầy. (Lời dịch giả)

Sự lầm lạc của lý lẽ này là ở chỗ nghĩ rằng Tình Thương là một trong những yếu tố của một cặp đối chọi nhau. Ðiều này không đúng. Tình thương thì Trường Tồn và những sự tác dụng của nó làm thành nền tảng của mọi sự biểu lộ. Bài ca của Sự Sống là một nguồn vui chớ chẳng phải là một nỗi đau khổ như họ nhận định. Chỉ có dục vọng và thù hận là làm thành một cặp đối chọi thôi, tình thương thì ở trên mọi yếu tố mâu thuẩn.

Quần Tiên Hội luôn luôn vui lòng để rất nhiều sáng kiến cho sự trực giác của thí sinh ở giai đoạn này trong sự tiến hóa của họ; tuy nhiên, vì có sự phát triển rộng lớn về quyền phép thần thông và có sự bành trướng những tri thức hoạch đắc được trong phạm vi tâm linh (nó cũng vật chất như cõi trần này vậy) mà bạn cần có một vài điều chỉ dẫn trên con đường chơn chánh nó giúp bạn đi qua được Tòa Lâu Ðài vĩ đại của sự học hỏi. (Xin xem «Tiếng Nói Vô Thinh» của H. P. Blavatsky).

Thật là lạ lùng nếu trường này, đã được người ta gán cho là dạy sự lãnh đạm hoàn toàn đối với các hình thể, mà lại có một hệ thống phức tạp về «những mưu mẹo, những phương pháp khéo léo» mà người ta đề nghị với bạn dưới danh từ advaĩta, Shiva Rudra và Parameshin. Chúng có mục đích giải thoát bạn khỏi những dây trói buộc của ảo tưởng và dẫn bạn đến nơi an nghỉ trong trung tâm của Bản thể mà không có hình thức trường tồn và Tinh Khiết của Ðời Sống Thuần Túy. Sau những lời vừa nói trên đây, tôi không muốn bạn nghĩ rằng việc thực hành sự định trí là thừa. Tôi chỉ muốn cho bạn hiểu rằng không phải chỉ có những phương pháp mưu mẹo là làm cho bạn tiến trên con đường chơn chánh của tinh thần mà thôi. Trái lại, muốn thực hiện cái công việc cao thượng của chúng ta, chúng ta cần phát triển cái dụng cụ do những thể cá nhân của chúng ta tạo thành.

Một trường khác sẽ trình bày với bạn những lý lẽ chỉ dùng ở bề ngoài mà thôi. Họ tuyên bố rằng vì đời sống bao trùm khắp vũ trụ chỉ là một, thì cái tính chất của mọi hành động của bạn không quan trọng và cái lý tưởng chủ trương ở thế gian trường cửu này đều là những dây trói buộc, và vì đó mà không có giá trị gì. Trường học này sẽ nói với bạn: «Bạn hãy lao mình xuống đáy vực thẳm tối tăm. Ðời sống của Thượng Ðế ở khắp mọi nơi, và mặc dầu bạn làm gì, bạn cũng luôn luôn phụng sự một khía cạnh của Ðời sống ấy. Vì vậy bạn đừng hạn định và đừng hướng công nghiệp bạn về một phía nào. Bạn hãy phục vụ Vực Thẳm, nó là Thượng Ðế vậy».

Những môn đồ của trường này sẽ bảo với bạn rằng đó là một lý tưởng rộng rãi và cao thượng hơn là lý tưởng phụng sự nhân loại.

Sự lầm lẫn của lý tưởng đó là điều này: không một sự biểu lộ nào của Vũ Trụ lại có thể phát sinh mà không có một sự hạn định đặc biệt do một sự cố gắng của ý chí mà ra; không có sự cố gắng này thì những biểu lộ ngoại cảnh của Thiên Cơ không thể thành hình được. Cái bổn phận làm người của bạn phải phụng sự đời sống cao cả trong con người và làm sao cho Thiên Cơ – đã được tiết lộ với bạn – thành tựu một cách cụ thể do sự bạn tự hiến dâng để phục vụ nó.

Nhân loại hiện đang tiến hóa. Không còn có một người nào bị bắt buộc phải đi sâu hơn nữa vào vật chất, tuy rằng còn rất nhiều người phải thắng sự sợ hãi về xác thịt để sửa soạn cho xác thân họ phục vụ những mục đích tiến hóa của vũ trụ. «Sự không còn phạm tội lỗi nữa không phải là để dành cho những linh hồn theo con đường tiến hóa của các Thiên Thần (Các vị Sáng Tạo) ». 

Trường này cũng dạy cách thôi miên và phát triển tánh đồng bóng thụ động. Nhưng mà những qui luật của Quần Tiên Hội cấm ngặt nhân viên mình đi thôi miên người khác hay để cho kẻ khác thôi miên lại mình ở cõi Trần cũng như ở cõi Trung Giới. Người ta cấm tánh đồng bóng thụ động trong một trạng thái xuất thần; nói tóm lại, nó chỉ là một sự thôi miên thực hành từ cõi Trung Giới đến cõi Hồng Trần mà thôi. Vì vậy bạn phải tránh mọi hành động có khuynh hướng làm bạn trở nên thụ động và vô trách nhiệm (xin xem qui luật VI về sự định trí).

Một trường thứ ba dạy rằng sự tu khổ hạnh là con đường dẫn đến Minh Triết. Trường này chủ trương rằng người ta có thể trở về Nước Thiên Ðàng bằng sự thù ghét xác thịt và bằng cách khinh bỉ những dục vọng của xác thân. Trường khuyến khích một vài sự luyện tập, do đó người ta có thể tự giải thoát ra khỏi những dục vọng của xác thịt.

Cái khía cạnh sai lầm của giáo huấn này là xem xác thân như một nhà tù tai hại và ô trược, thay vì xem đúng cái nghĩa thật của nó «cái nhà có cánh cửa của sự vui». Sự làm chủ xác thân, và việc kiêng cữ ái ân tự nó không phải là một đức hạnh, đó chỉ là một phương tiện để đạt đến một mục đích cao thượng mà thôi. Trường này lầm lộn sự khinh bỉ và thù ghét xác thân với sự tự chủ. Lầm! Sự sợ hãi xác thân tức là sự bị xác thân chi phối vậy.

Bạn phải lãnh đạm với xác thân và với những mục tiêu của giác quan mà không bị ảnh hưởng bởi sự thù ghét những kinh nghiệm ngoại cảnh, cũng như không bị chi phối bởi sự quyến luyến những hình thể của sự kinh nghiệm nhục dục. 

______________________________________________________




Comments

Popular posts from this blog

21 - Qui luật XIX: Các bạn hãy tự do

nbacd-18 - Vài Loại Nghiệp Quả Gia Đình

08 - Qui luật VI: Các bạn hãy phụng sự lý tưởng tùy theo tính chất và trình độ mình