nbacd-03 - Những Bí ẩn của Đời Người
Chương 3
Những
Bí ẩn của Đời Người
Trong khoảng hai mươi năm làm việc chữa bệnh để cứu giúp mọi người, ông
Cayce đã cứu chữa cho hàng mấy chục ngàn bệnh nhân, và điều này xác nhận sự
thật về năng khiếu thần nhãn của ông. Với năng khiếu thần nhãn này, ông Cayce
có thể nhìn thấu suốt tận trong nội tạng của người bệnh, những bộ phận ẩn giấu
trong cơ thể con người mà thông thường người ta không nhìn thấy được.
Trong nhiều năm sau, người ta mới bắt đầu nghĩ rằng nếu thần nhãn có thể
soi thấu vào bên trong cơ thể con người, thì chắc nó cũng có thể chuyển hướng
ra bên ngoài vũ trụ để nhìn thấy những mối liên quan giữa con người và vũ trụ,
và tìm sự giải đáp cho những vấn đề bí ẩn của đời người. Việc đó đã xảy ra
trong trường hợp sau đây.
Ông Arthur Lammers, chủ nhân một nhà in lớn ở
Sau khi quan sát những cuộc khám bệnh của ông Cayce trong nhiều ngày
liên tiếp, ông Lammers mới nhìn nhận sự thật về năng khiếu thần nhãn của ông
này. Ông Lammers là một người thông minh và có kiến thức rộng. Ông bèn nghĩ
rằng, nếu một người có nhãn quang nhìn thấy những sự vật ẩn giấu đối với cặp
mắt phàm, thì người ấy chắc hẳn có thể làm sáng tỏ những vấn đề rộng lớn hơn
thuộc về vũ trụ và nhân sinh, chứ không phải chỉ nhìn thấy có sự hoạt động của
lá gan hay bộ máy tiêu hóa của người bệnh mà thôi. Chẳng hạn như những vấn đề:
Trong tất cả mọi ngành triết học và tôn giáo thì ngành nào gần nhất với chân
lý? Mục đích của đời người là gì? Giả thuyết cho rằng linh hồn con người bất
diệt có đúng hay không? Nếu là đúng, sau khi chết, con người sẽ đi về đâu?
Liệu thần nhãn của ông Cayce có thể đem đến sự giải đáp cho những vấn đề
ấy hay chăng? Ông Cayce không hề biết một chút gì về những vấn đề ấy. Những vấn
đề trừu trượng về linh hồn và mục đích của cuộc đời, v.v... chưa từng thoáng
qua trong bộ óc chất phác của ông. Ông chỉ chấp nhận một cách mặc nhiên những
giáo lý mà người ta giảng cho ông ở nhà thờ; mọi sự thảo luận hoặc so sánh
những giáo lý đó với triết học, khoa học và các tôn giáo khác đều là hoàn toàn
xa lạ đối với ông.
Sở dĩ ông đã chịu sự dẫn dụ trong những giấc ngủ thôi miên là do lòng
mong muốn giúp đỡ những kẻ bệnh tật đau khổ. Ông Lammers là người đầu tiên nghĩ
đến việc dùng thần nhãn vào những mục đích khác hơn là chữa bệnh cho nhân loại,
và điều này càng làm tăng thêm lòng hứng khởi của ông Cayce.
Trong những giấc thôi miên, ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ rất
hiếm, ông luôn trả lời và giải đáp đúng những câu hỏi được nêu ra. Vậy thì
không có lý do gì mà ông không thể giải đáp luôn cả những câu hỏi của ông
Lammers về các vấn đề vũ trụ nhân sinh khác hơn là vấn đề chữa bệnh.
Ông Lammers vì bận công việc kinh doanh không thể kéo dài thời gian ở
Gần đây ông Lammers có chú ý đến khoa chiêm tinh. Ông nghĩ rằng nếu khoa
chiêm tinh là đúng đắn thì nó có thể là một ngành khoa học nối liền con người
với vũ trụ, và giúp chúng ta có thể hiểu được rõ ràng hơn về vũ trụ. Ông bèn có
ý định bắt đầu thí nghiệm thần nhãn của ông Cayce về khoa này.
Một ngày vào tháng mười năm 1923, khi ông Cayce nằm trong giấc ngủ thôi
miên trong một gian phòng khách sạn Phillips ở
- Thuở xưa, người này là một tu sĩ.
Câu nói tuy vắn tắt, nhưng đối với ông Lammers là người đã từng đọc
nhiều và đã từng quen thuộc với những lý thuyết quan trọng về nhân sinh và định
mệnh con người thì câu nói ấy làm cho ông giựt mình chẳng khác nào như bị điện
giật! Phải chăng câu ấy có nghĩa là thần nhãn của ông Cayce đã xác nhận như một
sự thật hiển nhiên cái giả thuyết cổ xưa về vấn đề luân hồi?
Thay vì làm thỏa mãn sự tò mò của ông Lammers, cuộc khám nghiệm đó lại
càng làm cho ông tọc mạch muốn biết thêm nhiều điều khác.
Khi ông Cayce thức tỉnh, ông thấy ông Lammers đang bàn luận sôi nổi với
cô thư ký Linden Shroyer về những lời nói của ông vừa rồi. Ông Lammers tuyên bố
rằng, nếu người ta có thể chứng minh thuyết luân hồi là có thật, thì điều đó sẽ
làm đảo lộn và thay đổi tất cả những quan niệm đã có từ trước về triết học, tôn
giáo, và tâm lý học! Nếu ông Cayce tiếp tục thí nghiệm về điều này thì những
cuộc quan sát của ông sẽ có thể tiết lộ cho ta thấy rõ ràng lý thuyết luân hồi
thực sự diễn ra như thế nào. Chẳng hạn như mối liên hệ giữa luân hồi và khoa
chiêm tinh là như thế nào? Và từ đó người ta có thể biết thêm nhiều điều về
linh hồn, về định mệnh, và về đời sống con người.
Ông Lammers bèn khẩn khoản yêu cầu ông Cayce quan sát thêm về vấn đề
này. Mặc dầu ông Cayce lấy làm lưỡng lự phân vân, nhưng ông vẫn nhận lời tiếp
tục những cuộc thí nghiệm.
Những câu hỏi của ông Lammers đưa ra đã được giải đáp một cách đúng đắn
và với đầy đủ chi tiết về những tiền kiếp của ông, cùng những vấn đề bí ẩn của
đời người mà từ lâu ông đã khảo cứu, tìm tòi.
Theo kết quả những cuộc quan sát đó, khoa chiêm tinh có chứa đựng một
phần nào sự thật. Linh hồn con người trải qua nhiều kiếp sống và được tiến hóa
thông qua những cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ đời sống. Con người thâu thập
kinh nghiệm trong cuộc sống và tích lũy nó trong tâm thức, rồi mang theo những
điều đó vào những kiếp sống tiếp theo sau đó. Khoa chiêm tinh dựa vào những mối
quan hệ giữa con người với vũ trụ để nhận biết được những chuyển biến quan
trọng trong đời người. Tuy nhiên, khoa chiêm tinh mà người ta được biết và thực
hành trong thời buổi hiện tại chỉ đúng một phần nào thôi, chứ không hoàn toàn
đúng, bởi vì có nhiều yếu tố ẩn tàng mà người ta chưa khám phá được một cách trọn
vẹn.
Những điều đó thật là lạ lùng đối với ông Cayce, nhưng sự tò mò khiến
ông cứ tiếp tục những cuộc quan sát thử nghiệm mà ông Lammers yêu cầu. Rồi sau
đó những người tham gia tổ chức nghĩ rằng những gì họ muốn biết về tiền kiếp có
thể sẽ được đầy đủ hơn nếu họ đừng đòi hỏi lấy một «lá số» chi tiết, và nếu ông Cayce nhận một sự dẫn dụ thích nghi
hơn. Vì thế, người ta mới đề nghị rằng trong giấc thôi miên ông Cayce hãy tự
đưa ra một cách thức dẫn dụ thích nghi hơn đối với ông. Và đây là cách dẫn dụ
mà ông Cayce đã đưa ra:
- Ông sẽ đứng trước mặt (tên của một người nào đó), sinh ngày... tại...
Ông sẽ nói cho biết thân thế và sự nghiệp của người này và vai trò của ông ta
trong cuộc đời là như thế nào, cùng những khuynh hướng và khả năng của ông ta
trong kiếp sống hiện tại này. Ông cũng cho biết những tiền kiếp của ông ta với
những chi tiết về tên tuổi, quê quán và thời kỳ nào đã trải qua những tiền kiếp
đó. Và ông cũng cho biết luôn những nguyên nhân nào trong mỗi kiếp đã giúp đỡ
hoặc làm trì trệ sự tiến hóa tâm linh của người này.
Từ đó, những cuộc quán sát bắt đầu chuyển hướng nhằm vào những tiền kiếp
của đương sự. Những cuộc quan sát đặc biệt này được gọi là những cuộc «soi kiếp», để phân biệt với những cuộc
khám bệnh, chỉ nhằm quan sát cơ thể của bệnh nhân nhằm mục đích chữa bệnh mà
thôi.
Đối với hai loại quan sát kể trên, ông Cayce đều áp dụng một phương pháp
giống như nhau, trừ một chi tiết này: Mỗi khi ông Cayce tuần sự soi kiếp cho
nhiều người liên tiếp thì ông bắt đầu cảm thấy chóng mặt dữ dội!
Chính ông cũng đã tự khám nghiệm mình để tìm nguyên nhân của sự chóng
mặt, thì ông nhận thấy rằng cần phải đổi hướng nằm quay đầu về hướng bắc, chân
về hướng nam trong những cuộc soi kiếp. Còn lý do vì sao cần phải thay đổi như
thế thì ông không giải thích được, mà chỉ cảm thấy như vậy là thuận dòng «nhân điện» trong người ông.
Những cuộc soi kiếp cho chính ông Cayce tiết lộ rằng cách đây nhiều thế
kỷ ông đã từng làm một vị tăng lữ bậc cao ở các đền cổ bên Ai Cập và có nhiều
năng lực thần thông, nhưng ông đã bị vấp ngã vì tánh kiêu căng và thói ưa sắc
dục. Trong một tiền kiếp ở Ba Tư, ông làm một y sĩ. Trong một kiếp khác, có lần
ông bị thương trong một trận chiến trên sa mạc và bị bỏ nằm lại trên bãi cát,
vì những người đồng đội tưởng rằng ông đã chết. Nằm một mình, không có nước
uống, không lương thực và không một mái che, ông đã chịu khổ rất nhiều suốt ba
ngày ba đêm, đến nỗi ông đã làm một cố gắng rất lớn để xuất thần ra khỏi thể
xác. Ông đã xuất thần được và chính nhờ việc ấy một phần nào mà ngày nay ông có
khả năng tự thoát ly ra khỏi những giới hạn của thể xác. Tất cả những đức tánh
và thói xấu của ông hiện thời đều được cân nhắc đúng đắn và đều có thể truy
nguyên ra ở những kinh nghiệm trong các kiếp trước.
Cuộc đời hiện tại luôn là một thử thách lớn cho bất cứ ai. Ông Cayce đã
có cơ hội phụng sự nhân loại một cách vị tha để cứu chuộc những lỗi lầm trong
quá khứ là thói kiêu căng, đắm mê vật chất và ưa thích sắc dục. Ông Lammers
nghĩ rằng những cuộc soi kiếp của ông Cayce có một tầm quan trọng rất lớn, và
vì thế người ta cần thực hiện những cuộc sưu tầm rộng lớn hơn về vấn đề này.
Ông liền đề nghị ông Cayce hãy đem gia quyến từ
Khi họ được cho biết về những gì xảy ra thì họ đều có sự phản ứng giống
như của ông Cayce là: lúc đầu họ còn ngạc nhiên và nghi ngại, kế đó họ càng trở
nên tò mò muốn biết sự thật và sau cùng họ đều lấy làm thích thú cho đến say
mê.
Ông Cayce bèn soi kiếp cho mỗi người trong gia đình ông. Trong mỗi
trường hợp, tâm tính của mỗi người đều được diễn tả một cách công khai và ông
cho biết rằng mỗi thói hư tật xấu cũng như mỗi đức tánh đều có nguyên nhân sâu
xa từ trong tiền kiếp. Trong cuộc soi kiếp cho một người con trai, ông nói:
- Trong bốn tiền kiếp, con là một nhà khảo cứu khoa học; con đã trở nên
có óc duy vật, ích kỷ và vụ lợi.
Khi soi kiếp cho người con trai kia, ông nói:
- Con có tánh rất nóng nảy; thói xấu đó đã gây cho con nhiều bất lợi
trong những tiền kiếp ở Ai Cập và ở Anh quốc. Kiếp này con nên tập lấy sự tự
chủ và tánh kiên nhẫn.
Những sự diễn tả tánh tình đó đều hoàn toàn đúng đắn và chân thật, dầu
cho đương sự là những người thân thích hay những người lạ như ông Lammers, cô
Linden Shroyer hoặc những người bạn của ông Lammers, và điều đó càng làm cho
ông này thêm phần hứng khởi và tin tưởng.
Nhưng ông Cayce cảm thấy thắc mắc về những điều tiết lộ đó, đến nỗi ông
đâm ra nghi ngờ về chính ông và ông đã tự xét lương tâm mình một cách nghiêm
khắc. Sau cùng ông đi đến kết luận rằng ông có thể tin cậy nơi năng khiếu thần
nhãn của mình, bằng những cuộc khám bệnh và soi kiếp, ông đã làm một công việc
phụng sự chính đáng và thiêng liêng chứ không phải là một điều tà vạy.
Nhưng những tiết lộ của ông lại là những điều quá mới lạ và dường như...
«phản đạo». Làm sao ông có thể tin
chắc rằng đó là những điều đúng với sự thật? Sự băn khoăn của ông có thể hiểu
được dễ dàng vì ông vốn sinh trưởng trong một gia đình Cơ đốc giáo khắt khe và
chính thống. Ông không hề được biết một chút gì về những giáo lý của các tôn
giáo lớn trên thế giới. Trong lúc này, ông vẫn không biết gì về phần nhiều
những điểm tương đồng giữa đạo Cơ đốc với những tôn giáo khác, và ông chưa từng
có dịp thưởng thức cái ánh sáng đạo lý tỏa chiếu từ những ngọn đèn khác hơn là
ngọn đèn Cơ đốc của mình. Ông hoàn toàn dốt về giáo lý căn bản của Ấn giáo và
Phật giáo nói về vấn đề luân hồi.
Hơn nữa, chính danh từ này đối với ông cũng không được hấp dẫn cho lắm,
vì ở phương Tây thời ấy người ta thường có một quan niệm sai lầm về thuyết luân
hồi. Chính những cuộc soi kiếp đã giải tỏa mọi sự nghi ngờ cho ông Cayce. Trong
những cuộc quan sát về các tiền kiếp, ông Cayce được biết rằng luân hồi không
chỉ đơn giản là sự đầu thai trở lại làm thú vật, và càng không phải là một điều
mê tín dị đoan. Đó là một giáo lý có căn bản vững vàng về phương diện tôn giáo
và triết học. Có hàng triệu người trí thức ở Ấn Độ và ở các xứ Phật giáo tin
tưởng vào thuyết ấy một cách sáng suốt và lấy đó làm nền tảng cho mọi sự ứng xử
trong đời sống hằng ngày của họ.
Tự nhiên là có nhiều môn phái ở Ấn Độ và ở các nước Á châu cũng chủ
trương thuyết Thoái bộ luân hồi, cho rằng con người tội lỗi tái sinh làm kiếp
thú, nhưng đó chỉ là một chủ trương sai lầm phiến diện về thuyết luân hồi. Vài
tôn giáo cũng có những quan niệm lệch lạc về thuyết này, nhưng ta không nên để
cho những sự hiểu lầm và thiên lệch đó khép chặt trí óc của ta đối với một chân
lý căn bản và trọng đại.
Ông Lammers có thể bổ túc những điều được tiết lộ trong những cuộc soi
kiếp. Ông giải thích rằng luân hồi có nghĩa là khả năng tiến hóa liên tục về
tâm linh dành cho mọi sinh vật: sự tiến hóa của tâm thức con người trải qua
nhiều kiếp sống, khi thì làm đàn ông, khi thì làm đàn bà; khi thì làm thường
dân, khi thì làm vua chúa; kiếp này đầu thai làm giống dân này, kiếp kia làm
một giống dân khác.v.v... nhưng với sự tu dưỡng hướng thiện thì sẽ luôn vươn
lên mãi cho đến khi tâm thức đạt tới sự toàn thiện.
Tâm thức con người khi biết hướng thiện qua từng kiếp sống cũng ví như
một nghệ sĩ sân khấu đóng nhiều vai trò khác nhau và mặc những bộ y phục khác
nhau từ đêm này qua đêm khác, nhưng vẫn luôn trau giồi và phát triển tài nghệ,
kinh nghiệm nghề nghiệp của mình.
Nhiều bậc hiền triết và các nhà thông thái, trí thức của Âu Tây cũng
chấp nhận thuyết luân hồi và đã viết nhiều sách vở về vấn đề này, trong số đó
có Pythagore, Platon, Plotin, Giordano Bruno, Goethe, Whitman, Emerson, và
Schopenhauer.
Về vấn đề này, ông Cayce bày tỏ ý kiến:
- Những điều đó hiển nhiên là đúng sự thật rồi; nhưng còn giáo lý của
đạo Cơ Đốc thì sao? Nếu tôi chấp nhận thuyết luân hồi thì phải chăng điều đó có
nghĩa là tôi phủ nhận đấng Christ và giáo lý của Ngài?
Ông Lammers đáp:
- Không phải vậy đâu. Ta hãy xét lại giáo lý căn bản của đấng Christ thì
rõ. Một luật gia trong số những người Pharisiens đã đưa câu hỏi đó cho đấng
Christ, và Ngài đáp rằng: «Ngươi hãy kính
yêu Chúa ngươi một cách hết lòng và hết cả tâm hồn. Và ngươi hãy thương yêu kẻ
đồng loại của ngươi cũng như ngươi vậy. Hai điều răn đó là tất cả giáo luật và
lời dạy của các nhà tiên tri.» (Mathieu 22:35-40.) Những lời dạy giản dị và
sâu xa về tình bác ái đó có khác gì với lời dạy về sự tiến hóa qua tu dưỡng
trong thuyết luân hồi? Và nó có khác gì với những giáo lý của bất cứ tôn giáo
nào trên thế giới? Đức Phật đã dạy: «Đừng
làm hại kẻ khác nếu không muốn kẻ khác làm hại mình.» (Kinh Pháp cú, kệ số
129, 130) Và những Thánh kinh của Ấn giáo cũng dạy rằng: «Ngươi đừng làm điều gì cho người khác mà ngươi không muốn người khác
làm cho ngươi.» Ấn giáo cũng như Phật Giáo, đều không thấy có sự khác biệt,
dị đồng giữa sự bác ái và sự tiến hóa tâm linh trong luân hồi. Những tôn giáo
ấy chỉ nhấn mạnh ở luân hồi nhiều hơn mà thôi, chứ không cho rằng hai điều ấy
tương phản nhau.
Nhưng ông Cayce vẫn chưa chịu thuyết phục. Năm lên mười tuổi, người ta
đã cho ông đọc bộ Kinh Thánh (Bible) và ông rất lấy làm say mê. Từ đó, ông nhất
định đọc lại bộ sách ấy mỗi năm một lần, suốt đời ông. Trong những năm ấy, ông
không hề thấy một lần nào trong sách đó có nói về luân hồi. Vậy thì tại sao bộ
Kinh Thánh, và điều quan trọng hơn nữa, là đấng Christ lại không hề nói đến vấn
đề này? Ông Lammers nghĩ rằng:
- Có lẽ đấng Christ có nói về vấn đề luân hồi. Trước hết, ta nên nhớ
rằng đấng Christ đã truyền dạy cho các vị môn đồ nhiều giáo lý mà Ngài không
đem giảng dạy cho quần chúng. Và dầu cho Ngài có dạy thuyết luân hồi cho một số
đông người, ta đừng quên rằng trải qua nhiều thế kỷ, phần chánh giáo của Ngài
đã chịu nhiều sự biến thiên dời đổi do những sự diễn đạt của người đời và do sự
phiên dịch qua nhiều thứ tiếng. Bởi vậy, có thể rằng nhiều giáo lý nguyên thủy
của Ngài đã bị thất truyền.
Tuy nhiên, ở một vài đoạn trong Thánh Kinh, người ta thấy có sự ngụ ý về
vấn đề luân hồi. Đấng Christ có lần nói với các môn đồ rằng Thánh Jean-Baptiste
là Elie tái sinh (Mathieu 17:12-13). Ngài không dùng chữ luân hồi tái sinh,
nhưng Ngài đã nói một cách rõ ràng không úp mở, rằng: «Elie đã trở lại...» Và khi đó các môn đồ hiểu rằng Ngài đang nói
với họ về Thánh Jean-Baptiste. Trong một đoạn khác, các môn đồ hỏi Ngài về một
người mù: «Bạch thầy, ai đã gây tội lỗi?
Chính người này hay là cha mẹ y đã phạm tội, khiến cho y sinh ra đã bị mù?»
Nhiều đoạn khác trong Thánh Kinh cũng ám chỉ, hoặc hàm chứa ý nghĩa về
sự luân hồi. Ta hãy đọc trong thiên Apocalypse, chương 13, câu thứ 10: «Kẻ nào cầm tù kẻ khác sẽ bị kẻ khác cầm tù;
kẻ nào sử dụng gươm đao sẽ chết vì gươm đao.» Câu ấy ngụ ý rằng có một định
luật quả báo tác động từ kiếp này sang kiếp khác. Có điều chắc chắn là phe
chính thống của Cơ Đốc giáo đã dần dần góp nhặt và tu chỉnh những phần giáo lý
của đấng Christ không có nói về vấn đề luân hồi; nhưng làm sao người ta có thể
chắc rằng sự diễn đạt và chọn lọc của phe chính thống đối với những giáo lý
nguyên thủy là hoàn toàn vô tư và không thiên lệch?
Nghiên cứu tiểu sử các vị cố đạo Gia Tô thời cổ, người ta thấy rằng có
nhiều vị trong số đó đã nhìn nhận thuyết luân hồi trong những tác phẩm của họ,
và đã công khai giảng dạy thuyết ấy, như Origene, Jutin, Thánh Jerome, Clement
d’Alexandrie, Plotin và nhiều vị khác nữa. Những vị này đã từng sống vào thời
kỳ gần với thời đại của đấng Christ. Phải chăng các vị ấy đã biết và truyền bá
những phần giáo lý bí truyền có từ nghìn xưa, mà đấng Christ chỉ dạy riêng cho
mười hai vị tông đồ thân tín của Ngài mà thôi?
Theo ông Lammers thì đức giám mục Mercier tuy không tin tưởng nơi thuyết
luân hồi nhưng đã tuyên bố rằng thuyết ấy không trái với những giáo điều căn
bản của đạo Gia Tô. Những điều kể trên đã giải tỏa bớt những nỗi thắc mắc băn
khoăn của ông Cayce, vì ông luôn sợ rằng ông đã dùng những năng lực lạ lùng của
mình một cách trái đạo, tức là đi ngược với tôn giáo của ông.
Ngoài ra, ông cũng còn có một vài điểm thắc mắc nghi ngờ khác về năng
lực của mình, nhưng điều này lại có một cơ sở khoa học. Một thí dụ là làm sao
giải thích sự gia tăng dân số quá lớn trên thế giới hiện nay nếu người ta cho
rằng tất cả linh hồn đều đã sống trên mặt đất? Vậy thì số sai biệt tăng thêm đó
ở đâu mà ra?
Tất cả gia đình ông Cayce, cùng ông Lammers, các cô thư ký Gladys Davis
và Linden Shroyer đều thường họp mặt trong phòng khách để thảo luận về những
vấn đề ấy. Khi tất cả mọi người đều cạn ý kiến, thì người ta mới nhớ đến sự
quan sát bằng năng khiếu thần nhãn của ông Cayce để tìm ra sự giải đáp; và khi
những cuộc quan sát đó có những điều đáng ngờ vực, thì họ tham khảo tài liệu ở
các sách trong thư viện quốc gia.
Nói về vấn đề gia tăng dân số trên thế giới thì tìm ra một lời giải
thích cũng không phải khó. Một người trong nhóm cho rằng, dầu sao chúng ta cũng
không biết chắc rằng quả thật có sự gia tăng dân số hay không? Những cuộc khảo
cứu gần đây có đề cập đến những nền văn minh cổ xưa ở Ai Cập, và ở châu
Atlantide nay đã biệt tích. Ở nhiều nơi như Mexico, Ai Cập và một phần của Đông
phương, những di tích khảo cổ đã xác nhận rằng có nhiều nền văn minh lớn cổ xưa
đã từng xuất hiện trên những vùng lãnh thổ rộng lớn, mà ngày nay chỉ còn là những
bãi sa mạc hoang vắng. Như thế, người ta có thể hình dung được rằng ở vào những
thời kỳ khác nhau trong lịch sử, có những lúc mà dân số trồi sụt không đồng
đều, nhưng chưa hẳn đã có sự thay đổi tổng số các sinh linh trong vũ trụ. Có
thể rằng có hàng triệu tâm thức vẫn trôi giạt trong cõi vô hình, trong những
thời kỳ mà hoàn cảnh không tạo ra đủ điều kiện cho họ đầu thai làm người.
Tuy ông Cayce vẫn chưa hết hoài nghi, nhưng ông đã hài lòng về sự giải
thích hợp lý như trên. Nhưng còn vấn đề châu Atlantide cũng là một vấn đề nan
giải khác nữa. Làm sao chúng ta có thể biết rằng châu Atlantide là có thật? Hay
đó chẳng qua chỉ là một chuyện hoang đường?
Những cuộc quan sát bằng thần nhãn của ông Cayce đã đưa ra câu giải đáp
cho vấn đề ấy một cách tường tận tỉ mỉ và với rất nhiều chi tiết. Nhà triết học
Platon là người đầu tiên ở phương Tây đã tường thuật về sự hiện hữu trước đây
của châu Atlantide, nay đã chìm dưới đáy Đại Tây Dương. Và mặc dầu quần chúng
ngày nay không còn chú ý đến, nhưng những nhà địa chất học cũng đã từng quan
tâm về vấn đề này. Họ vẫn không đồng ý với nhau, người thì phủ nhận, kẻ thì quả
quyết về sự hiện diện của châu Atlantide. Dầu sao, một số lớn sách vở của những
tác giả uyên bác đã nói đến vấn đề này và đã đưa ra rất nhiều bằng chứng lịch
sử, văn hóa và khoa học, bổ túc cho nhau để chứng minh vấn đề.
Ông Cayce đã đọc một quyển sách nhan đề «Châu Atlantide, một thế giới thời kỳ tiền sử» của tác giả Ignatius
Donnelly, và rất ngạc nhiên mà nhận thấy rằng những cuộc quan sát của ông đã mô
tả đúng y như những bằng chứng căn bản nêu trong quyển sách ấy.
Những cuộc thảo luận và khảo cứu tài liệu ở các sách vở về lịch sử, khoa
học, tôn giáo, đạo lý cổ truyền, về châu Atlantide và về khía cạnh tâm lý của
khoa thôi miên, là những vấn đề được nêu ra trong các cuộc quan sát bằng thần
nhãn, đã giúp cho ông Cayce dần dần có được một tầm kiến thức rộng rãi về văn
hóa và lịch sử mà ông vẫn thiếu sót do trình độ học vấn.
Dần dần, ông bớt sợ hãi và thắc mắc về những điều mà ông thốt ra trong
giấc ngủ thôi miên, ông cảm thấy rằng những điều ấy có thể chứa đựng một phần
nào sự thật. Với một sự tò mò xen lẫn với óc phê phán, ông bắt đầu phân tách
những cuộc quan sát trong trạng thái thôi miên để kiểm soát nó một cách hoàn
hảo hơn.
Trước hết, ông nhận thấy rằng những cuộc quan sát ấy đều có sự mạch lạc
và liên quan chặt chẽ với nhau. Không bao giờ một cuộc quan sát này lại cho kết
quả tương phản với một cuộc quan sát khác, dầu là cách nhau bao lâu cũng vậy.
Vì thế, một người có thể được ông quan sát lần thứ nhì nhiều tháng hoặc nhiều
năm sau lần thứ nhất nhưng những tài liệu ghi nhận kết quả đều ăn khớp với nhau
và nối tiếp theo nhau một cách đúng đắn, chẳng khác nào người ta lật ra một
quyển sách ở chỗ trang đã được làm dấu để đọc tiếp theo đoạn sách đã bỏ dở
trong lần đọc trước.
Phần nhiều những cuộc «soi kiếp»
giúp đưa ra được những tài liệu tổng quát về những thời kỳ cổ xưa, như ở Ai Cập
và châu Atlantide. Khi người ta đem đối chiếu những cuộc soi kiếp đó với nhau,
thì thấy rằng những chi tiết rời rạc và thiếu sót đã bổ khuyết cho nhau và trở
nên hoàn chỉnh hơn. Do đó, mỗi cuộc soi kiếp thường lặp lại một phần những gì
đã được nói ra trong lần trước, rồi thêm vào một số chi tiết mới cho toàn thể
câu chuyện.
Không những các cuộc soi kiếp đều cho kết quả phù hợp với nhau, mà còn
xác nhận lẫn nhau trên nhiều điểm về những sự việc được ghi chép trong lịch sử,
dầu cho đó là những sự việc bí ẩn thuộc về phần ngoại sử. Thí dụ, một trong
những cuộc soi kiếp nói rằng một người kia trong tiền kiếp đã từng làm người «phóng ghế». Ông Cayce không hề biết «phóng ghế» nghĩa là gì. Chỉ khi tra cứu
tự điển, ông mới thấy rằng danh từ đó chỉ cho một phong tục cổ xưa của dân miền
Bắc Mỹ. Người ta trói chặt những mụ phù thủy trên những chiếc ghế đẩu và cầm
chân ghế chổng ngược đầu để nhận chìm họ xuống ao nước lạnh, gọi là «phóng ghế».
Một thí dụ khác là trong cuộc soi kiếp cho một người thanh niên, ông
Cayce nói rằng trong một kiếp trước anh ta đã sống ở Pháp. Tại đây, anh ta đã
gặp gỡ và làm bạn với nhà bác học Mỹ Robert Fulton và đã giúp đỡ người này
trong sự thực hiện một vài phát minh khoa học.
Ông Cayce biết rõ Robert Fulton nhưng không tin rằng ông này đã từng
sống ở bên ngoài nước Mỹ. Sau khi tra cứu một quyển tự điển về tiểu sử các danh
nhân, ông mới biết rằng ông Fulton quả thật đã có ở bên Pháp nhiều năm, và đã
được nhiều người quen biết giúp đỡ và khuyến khích trong các hoạt động của ông.
Ngoài những sự xác nhận lịch sử lạ lùng nói trên về những tiền kiếp, còn
có rất nhiều bằng chứng khác về kiếp hiện tại. Ông Cayce biết rằng những sự
phân tách tâm lý trong những cuộc soi kiếp của ông đều đúng, không những đối
với ông và những người trong gia đình, mà cũng đúng đối với những người hoàn
toàn xa lạ. Trong những cuộc soi kiếp cũng như trong những cuộc khám bệnh, dầu cho
đương sự có quen biết với ông hay không, điều đó không quan hệ gì cả. Họ có thể
là những người hoàn toàn xa lạ, hoặc ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Nếu ông có
được đầy đủ tên họ, ngày sinh và nơi sinh của những người ấy, ông có thể diễn
tả một cách đúng đắn những hoàn cảnh hiện tại cùng những điều bí ẩn trong tâm
tính của họ. Ông cũng nói luôn cả những đức tính, năng lực cùng những khuyết
điểm của họ, và truy nguyên ra tất cả những điều đó ở các tiền kiếp.
Những cuộc soi kiếp cũng đúng dưới một khía cạnh khác. Ông Cayce có thể
kiểm điểm lại những điều mà cuộc soi kiếp đã tiết lộ về tánh chất và khả năng
nghề nghiệp tương lai của những đứa trẻ. Một cuộc soi kiếp vào ngày sinh của
một đứa trẻ tại
Một trường hợp lý thú hơn nữa là của một đứa trẻ khác mà cuộc soi kiếp
cho biết rằng về sau có thể trở nên một y sĩ có tài. Những thói xấu mà cuộc soi
kiếp cho biết trước cũng đã bắt đầu biểu lộ sớm, cùng lúc với sự thích thú đặc
biệt về ngành y học. Vào năm tám tuổi, nó đã bắt đầu mổ xác những con thú đã
chết để xem cơ thể bên trong con thú như thế nào. Chưa đầy mười tuổi, nó đã xem
một cách say mê những bộ sách tự điển y khoa, và năm mười hai tuổi, nó nói rõ
với cha mẹ rằng nó rất muốn vào trường Đại học John Hopkins để theo ngành y
khoa. Cha của đứa trẻ là một nhà kinh doanh ở
Trường hợp này chứng tỏ một lần nữa về năng khiếu thần nhãn thật sự của
ông Cayce, vì ông đã nhìn thấy kiếp trước của đứa trẻ và chắc chắn rằng những
khả năng đặc biệt của nó sẽ biểu lộ ra ở kiếp này.
Những thí dụ kể trên cho thấy rằng những cuộc soi kiếp của ông Cayce có
một giá trị rất lớn trong việc tiên đoán tương lai, không những của những đứa
trẻ sơ sinh mà còn cho cả những người lớn. Một cô thư ký điện tín viên ở Bưu
điện thành phố
Với thời gian trôi qua, ông Cayce càng nhận thấy rằng những cuộc soi
kiếp của ông đã giúp ích cho rất nhiều người. Ông càng vững lòng tin hơn trước
khi thấy rằng công việc của ông làm là chánh đáng vì tạo ra được những kết quả
tốt đẹp. Có nhiều người được hướng dẫn theo những nghề nghiệp thích hợp hơn;
những người khác nhận được những lời chỉ dẫn có thể giúp họ san bằng nhiều sự
khó khăn trong đời sống gia đình; những người khác nữa đã tìm cách tự biết mình
và tập hòa mình một cách thích nghi với đời sống xã hội.
Những điều nói trên đã dần dần thuyết phục ông Cayce về tính cách chân
thật và xác đáng của những cuộc soi kiếp bằng thần nhãn cũng như sự giải thích
mà nó đưa ra về số phận con người hay ý nghĩa của cuộc đời. Nhưng điều làm cho
ông tin tưởng hơn hết là tinh thần Gia Tô giáo tiềm tàng trong những điều mà
cuộc soi kiếp đã tiết lộ cho ông biết; và hơn nữa, cái tinh thần Gia Tô giáo đó
lại được đưa ra một cách dễ dàng và thích nghi trong khuôn khổ của thuyết luân
hồi.
Một cuộc soi kiếp ít khi nào mà không nêu ra một đoạn trong Kinh Thánh
hay một điều giảng dạy của đấng Christ. Những câu dẫn chứng thông thường nhất
là những lời dạy của đấng Christ như sau:
- Ngươi gặt hái những gì ngươi đã gieo.
Và:
- Hãy làm cho kẻ khác những gì ngươi muốn kẻ khác làm cho ngươi.
Đôi khi đó là những câu chú thích theo đúng nguyên văn hoặc phác họa
thêm ít nhiều tư tưởng theo nguyên văn, chẳng hạn như:
- Ngươi chớ lầm lạc: Không ai có thể kiêu ngạo với Chúa Trời! Vì ai gieo
giống nào sẽ gặt giống nấy.
Và:
- Con người luôn luôn là cái hậu quả của chính mình. Ngươi hãy làm điều
lành cho những kẻ đã phỉ báng nhục mạ ngươi, rồi ngươi sẽ cứu chuộc được những
tội lỗi mà chính ngươi đã gây ra cho kẻ khác.
Những lời dẫn chứng kể trên là để răn dạy những người bị bệnh tật đau
khổ, do hậu quả của những điều tội lỗi mà họ đã gây ra trong một kiếp trước.
Khi sự hứng khởi nồng nhiệt lúc ban đầu đã lắng dịu, thì nhóm người
chung quanh ông Cayce mới bắt đầu đặt những câu hỏi về những điều đã tiết lộ
trong các cuộc soi kiếp của chính họ. Trước hết, họ muốn biết tại sao có một
vài thời kỳ trong lịch sử luôn luôn tái diễn trở đi trở lại trong các cuộc soi
kiếp. Vì sao nhiều người lại có chung một bối cảnh lịch sử giống như nhau? Nói
tóm lại, những điều diễn tả trong các cuộc soi kiếp hình như đều rập theo một
khuôn khổ. Các cuộc soi kiếp thường nêu ra một loạt các thời kỳ như Thời đại
Atlantide, Đế quốc La Mã, Thời kỳ Thánh chiến (Croisades) và lúc khởi đầu thời
kỳ khai mở thuộc địa ở Bắc Mỹ. Một loạt khác gồm có Châu Atlantide, Ai Cập, La
Mã, nước Pháp thời vua Louis 14, 15 và 16, và cuộc nội chiến ly khai
(Secession) ở Hoa Kỳ. Lẽ tự nhiên, cũng còn có những trường hợp khác, gồm có
Trung Hoa, Ấn Độ, Miến Điện, Pérou, Bắc Âu, Phi Châu, Trung Mỹ, Ý, Tây Ban Nha,
Nhật Bản và nhiều xứ khác...
Nhưng phần nhiều các cuộc soi kiếp đều noi theo một khuôn khổ lịch sử
như nhau. Theo ông Cayce, lý do của sự kiện trên là vì những tâm thức thuộc về
một thời kỳ lịch sử nhất định, về sau thường ra đời cùng lúc ở một thời kỳ
khác. Trong những thế kỷ ở khoảng giữa, thì những tâm thức khác lại tái sinh
theo cách tuần tự. Sự luân phiên tái sinh thành từng nhóm như vậy là do sự
tương đồng về nghiệp lực, cũng giống như sự thay phiên của những toán thợ có
cùng một phận sự trong một công xưởng.
Vì thế, ông Cayce tin rằng phần nhiều những tâm thức đang tái sinh trên
thế gian hiện nay đều đã cùng sống với nhau trong những thời kỳ quá khứ.
Ngoài ra, những chúng sinh nào đã từng có những mối liên hệ gia đình, bè
bạn hoặc đồng lý tưởng với nhau, có thể đã cùng có những nhân duyên với nhau
trong những kiếp trước.
Một câu hỏi khác được nêu ra:
- Những nhận xét đó dựa vào đâu mà có?
Câu trả lời là: Khi ông Cayce rơi vào trạng thái thôi miên, ông có khả
năng đưa ra những nhận xét đó dựa vào hai yếu tố. Một là trạng thái vô thức của
người đang được soi kiếp. Trạng thái vô thức này lưu giữ ký ức của tất cả những
kinh nghiệm mà đương sự đã trải qua, không những trong kiếp này mà cũng gồm cả
những kinh nghiệm trong những kiếp trước. Những ký ức thuộc về kiếp trước được
che khuất, ẩn tàng trong phần sâu kín nhất của tiềm thức, gọi là tàng thức, nằm
ngoài vòng hiểu biết và thực nghiệm của khoa tâm lý học hiện đại. Tàng thức của
một người là lãnh vực có thể được thăm dò bằng ý thức của người khác, khác với
trạng thái ý thức, vốn luôn có những đề kháng đối với mọi sự thăm dò từ bên
ngoài, tương tự như trong một thành phố lớn, người ta có thể đi từ nơi này đến
nơi kia bằng những đường ngầm dễ dàng hơn những phương tiện khác ở trên mặt
đất.
Vì thế, trong trạng thái thôi miên, ông Cayce có thể nhìn sâu vào tàng thức
của đương sự một cách trực tiếp. Sự giải thích này có thể được chấp nhận một
cách dễ dàng; nó phù hợp, ít nhất là phần nào, với những phát minh của khoa
phân giải tâm lý (Psychanalyse) về cuộc đời và về trạng thái vô thức.
Nhưng còn yếu tố thứ hai đã giúp ông Cayce đưa ra các nhận xét thì dường
như rất lạ lùng. Những cuộc soi kiếp gọi đó là những «ký ức của không gian» (Clichés Akashiques). Như thường lệ, mỗi khi
nói đến một danh từ lạ và khó hiểu, ông Cayce đánh vần từng chữ trong trạng
thái thôi miên của ông như akasha: danh từ; akashique: tính từ. Nói tóm tắt,
ông Cayce giải thích danh từ ấy như sau: «Akasha
là danh từ dùng để chỉ một trạng thái vật chất tối sơ và căn bản của vũ trụ.
Loại vật chất ấy có tác dụng như một kiểu băng từ tính trên đó ghi nhận một
cách rõ ràng không bao giờ mất những âm thanh, ánh sáng, cùng mọi hành vi, tư
tưởng của con người và tất cả mọi sự kiện đã từng xảy ra trong vũ trụ».
Chính nhờ có sự lưu giữ trong kiểu «ký
ức không gian» đó mà những ai có năng khiếu thần nhãn có thể nhìn ngược về
dĩ vãng như đọc một quyển sách mở ra từng trang trước mặt họ, dầu cho những sự
việc xảy ra đã cách xa bao nhiêu thời gian trong quá khứ. Loại vật chất akasha
có chức năng tương tự như một máy ghi hình vĩ đại của vũ trụ. Khả năng nhìn thấy
ký ức của thiên nhiên dựa trên loại «máy
ghi hình» đó vốn tiềm tàng ở tất cả mọi người, nhưng sự bộc lộ của nó tùy
thuộc vào mức độ nhạy cảm của mỗi người, và cũng tùy nơi việc chúng ta có thể
tự đặt mình vào một trạng thái thụ cảm thích nghi đến mức nào, cũng giống như
khi ta bắt đúng tần số vô tuyến trên máy thu thanh để nghe âm nhạc vậy.
Trong những lúc thức tỉnh, ông Cayce không thể đặt mình vào trạng thái
thụ cảm thích nghi để «bắt đúng tần số»
như nói trên, nhưng trong trạng thái giấc ngủ thôi miên thì ông có thể làm được
điều ấy.
Trong tất cả những điều bí ẩn mà ông Cayce đã thốt ra trong trạng thái
thôi miên thì đó là điều mà ông cho là lạ lùng nhất. Tuy thế, đáp lại những câu
hỏi hoài nghi về vấn đề này, ông luôn trả lời giống như nhau, có khi thì dùng
những danh từ giống nhau, có khi thì thêm vào những chi tiết phụ thuộc. Có
nhiều khi, ông nói thêm rằng những sự ghi nhận trên chất akasha cũng có thể gọi
là «ký ức của vũ trụ». Ông Cayce cũng
đưa ra những sự giải thích đã có từ nhiều thế kỷ trước về chất akasha. Nền
triết học cổ Ấn Độ đã từng nói rằng căn bản của vật chất vốn là hư không; vật
chất là sự kết tinh của một sức mạnh gọi là sinh lực; và cũng nói về sự chuyển
di tư tưởng bằng phương pháp thần giao cách cảm; và những điều này gần đây đã được
khoa học Âu Tây xác nhận.
Vậy tại sao chúng ta không có một thái độ cởi mở để chấp nhận ít nhất là
tiềm năng của chất akasha, cũng là một quan niệm khác của triết học Ấn? Sự giải
thích bằng trạng thái vô thức có thể chấp nhận được trong việc soi kiếp cho
những người khác, nhưng làm sao giải thích hiện tượng ông Cayce đã nói rất
nhiều chi tiết đầy đủ, tuôn tràn như suối chảy trong những cuộc quan sát sưu
tầm về những thời đại cổ xưa ở châu Atlantide, Ai Cập, và thời kỳ đầu Công
nguyên? Có thể nào ông đã góp nhặt tài liệu trong tiềm thức của những người đã
từng sống vào những thời kỳ đó chăng, mặc dầu họ không phải là những người đến
nhờ ông soi kiếp? Hay ông Cayce đã khám phá ra những điều đó trong ký ức của
lịch sử, được ẩn giấu, tiềm tàng và giữ gìn nguyên vẹn trong những cõi vô hình
huyền bí của vũ trụ?
Sau cùng ông Cayce đã chấp nhận quan niệm về chất akasha, không phải vì
ông có một bằng chứng tuyệt đối về điều ấy, mà bởi vì nó đã được xác nhận trong
những cuộc quan sát bằng thần nhãn; và những cuộc quan sát của ông về tất cả
mọi vấn đề từ trước đến nay đều đúng đắn và hoàn toàn đáng tin cậy.
Có lẽ việc dùng thần nhãn để nhìn thấy những sự việc đã xảy ra trong quá
khứ cũng có thể được giải thích bằng những cách khác; và cũng có lẽ trong tương
lai, một nhà bác học hiện đại nào đó có thể chứng minh sự thật về chất akasha,
và điều này rốt cuộc cũng không phải bí mật lạ lùng gì hơn những hiện tượng đã
có, chẳng hạn như sóng vô tuyến hay tính chất phóng quang của chất radium; như
nguyên tử lực hoặc trí nhớ của bộ óc con người và sự truyền cảm của hệ thần
kinh.
Dầu sao, những cuộc soi kiếp của ông Cayce và sự đúng đắn một cách lạ
lùng của nó là một sự thật hiển nhiên. Trong khoảng hai mươi hai năm trường,
bắt đầu từ năm 1923 trở đi, là năm mà ông Cayce bắt đầu soi kiếp và khám bệnh
bằng thần nhãn, cho đến năm 1945 là năm ông từ trần, ông đã soi kiếp cho khoảng
hai ngàn năm trăm người.
Cũng như những cuộc khám bệnh bằng thần nhãn, những cuộc soi kiếp đều
được ghi chép trong các tập hồ sơ và được giữ gìn cẩn thận. Nhiều thư từ văn
kiện đã chứng minh cho sự đúng đắn của nhiều cuộc soi kiếp, mỗi khi có đủ bằng
chứng xác nhận về sự đúng đắn của những điều đã tiết lộ.
Những ai muốn tìm biết sự thật về những điều này còn có thể chất vấn
nhiều người hiện nay đang còn sống và đã từng được ông Cayce soi kiếp. Như vậy,
nếu chúng ta có thể tin tưởng nơi tính cách chân thật của những tập hồ sơ văn
kiện lạ lùng đó và sự giải đáp của nó về những bài toán bí hiểm của cuộc đời,
thì ta đã có trong tay một số tài liệu khổng lồ và hiếm có về vấn đề này.
Trước hết chúng ta có một số bằng chứng cụ thể hiển nhiên về thuyết luân
hồi, là một nguyên tắc tồn tại căn bản trong vũ trụ. Và nếu tất cả những yếu tố
kể trên cũng chưa đủ để hoàn toàn thuyết phục chúng ta, thì ít nhất nó cũng
đáng để cho ta chú ý vì mục đích khảo cứu và sưu tầm khoa học.
Có biết bao cuộc phát minh lớn lao vĩ đại mà ban đầu cũng chỉ căn cứ
trên những giả thuyết lạ lùng và khó tin. Khi người ta hỏi nhà bác học Einstein
bằng cách nào ông ta đã phát minh ra thuyết tương đối, ông đáp:
- Tôi chỉ thử đặt một nghi vấn về một định lý.
Ngoài ra, chúng ta còn có một số tài liệu rất dồi dào về tâm lý, y lý và
triết lý, đem đến cho ta một tầm kiến thức rộng rãi và khác hẳn về cuộc đời.
Trong khoảng hai mươi hai năm đó, có biết bao nhiêu người đau khổ tuyệt
vọng đã tìm đến ông Cayce và đã được ông săn sóc giúp đỡ do sự hiểu biết thâm
sâu và năng khiếu thần nhãn của ông. Họ bị đủ thứ đau khổ bệnh tật về thể xác
lẫn tinh thần, và tất cả đều muốn tìm sự giải đáp cho những câu hỏi sau đây:
- Tại sao sự đau khổ này lại đến cho tôi?
- Nguyên nhân vì đâu mà tôi phải chịu sự đau khổ này?
Không phải tất cả những trường hợp đó đều là nguy cấp hay tuyệt vọng. Có
nhiều người xem ra thì những kiếp trước của họ cũng tầm thường như kiếp này, và
không có gì đặc biệt. Nhưng, dầu cho sự đau khổ của họ nặng hay nhẹ, các cuộc
soi kiếp đã chỉ cho thấy rằng cái thân phận và hoàn cảnh hiện thời của họ là
kết quả của bao nhiêu nhân và quả nối tiếp lẫn nhau như những cái khoen của một
sợi dây xích và bắt đầu từ vô thủy.
Tất cả đều đã được chỉ cho thấy rằng những bệnh tật, thống khổ của họ
bây giờ đều có nguyên nhân xa hay gần, do sự tác động của một định luật căn bản
gọi là luật nhân quả. Những gì họ đã nghe và học hỏi đã làm cho họ thay đổi cuộc
đời; sự hiểu biết thâm sâu về bài học nhân quả đã giúp cho họ một nguồn an ủi
cũng như tìm thấy sự thăng bằng và an tĩnh của tâm hồn.
Nếu người ta chấp nhận tánh cách chân thật của những cuộc soi kiếp đó,
người ta cũng còn phải nhìn nhận sự kiện là nó đã làm đảo lộn trí óc và quan
niệm của hầu hết mọi người về cuộc đời. Tầm quan trọng của sự việc kể trên
không phải là đem đến cho ta một giả thuyết mới, vì đó là một lý thuyết rất cổ
xưa và đã từng là một điều tín ngưỡng của nhiều dân tộc rải rác ở nhiều lục địa
trên quả địa cầu. Nhưng những cuộc soi kiếp của ông Cayce có một tầm quan trọng
vì hai điều sau đây:
Thứ nhất, đây là lần đầu tiên ở Âu Mỹ người ta có được những bản phúc
trình đúng đắn, mạch lạc, rõ ràng và đáng tin cậy về những kiếp trước của một
số đông người.
Thứ hai, đây là lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, những bản phúc
trình đó được ghi chép và sắp xếp thành hồ sơ có ngăn nắp, trật tự, để cho mọi
người đều có thể tra cứu, sưu tầm.
Ngoài ra, những cuộc soi kiếp của ông Cayce đã hợp nhất triết lý Đông
phương với những giáo lý Gia Tô, và làm cho cả hai nền triết lý Đông Tây càng
thêm phần sống động. Nhờ đó, chúng ta đã có một sự tổng hợp rất cần thiết giữa
hai quan điểm triết học khác nhau của Đông phương và Tây phương.
Những cuộc soi kiếp bằng thần nhãn của ông Cayce cũng đã tổng hợp khoa
học và tôn giáo bằng cách chỉ cho ta thấy rằng cảnh giới tinh thần chịu sự tác
động của luật nhân quả một cách đúng đắn cũng giống như thế giới vật chất. Nó
cho ta thấy rằng sự đau khổ của con người không phải là do một sự rủi ro tình
cờ như nhiều người lầm tưởng, mà là do những tư tưởng và hành động sai lầm
trong quá khứ.
Nó cũng chỉ ra rằng những sự sai biệt và bất đồng giữa thân thế, hoàn
cảnh và khả năng của người đời không phải là do ý muốn độc đoán của Thượng Đế
hay là do ảnh hưởng hoàn toàn của sự di truyền, mà chỉ là kết quả của những
hành vi và cung cách ứng xử của mỗi người trong những kiếp trước. Mọi sự đắng
cay, thất bại, buồn rầu đều có một ý nghĩa và mục đích rèn luyện chúng ta trên
con đường hướng thiện; những bệnh tật tai ương xảy đến cho ta đều có một nguyên
nhân sâu xa về tinh thần. Và tất cả những sự quằn quại đau khổ đều là những bài
học quí giá mà nếu chúng ta biết cách nhận lấy trong trường học lớn của thế
gian thì trong tương lai nó sẽ đưa chúng ta đi đến mục đích minh triết và toàn
thiện.
Comments
Post a Comment