nbacd-07 - Quả Báo Không Tức Thì
Chương 7
Quả
Báo Không Tức Thì
Một điều lạ lùng mà ta có thể nhận thấy trong những trường hợp quả báo
về xác thân như đã kể trên, là những quả báo chỉ xuất hiện một hay nhiều kiếp
sau khi cái nhân đã được tạo ra. Người ta tự hỏi, tại sao lại có sự chậm trễ
đó, tại sao nghiệp quả không báo ứng ngay tức khắc như một quả banh dội lại
ngay sau khi được ném vào tường?
Dường như câu hỏi đó có nhiều cách giải đáp. Một là sau khi đã gây nhân
tạo nghiệp, cần phải đợi đến khi có một hoàn cảnh thuận tiện cho cái nhân kia
kết lại thành quả. Có khi phải đợi qua nhiều thế kỷ mới hội đủ các điều kiện.
Trong khoảng thời gian đó, tất nhiên là mỗi người đều có được những cơ hội để
cải thiện tâm tính, tu dưỡng tinh thần, và nhờ đó có thể giúp cho quả báo trở
nên giảm nhẹ hơn.
Người ta tìm thấy một thí dụ về loại quả báo không tức thì này trong
những tập hồ sơ Cayce về những tâm thức trước kia đã từng sinh ra ở châu
Atlantide. Khoa học chưa bao giờ có thể xác nhận hay phủ nhận sự hiện diện của
châu Atlantide vĩ đại và cổ xưa nay đã chìm dưới đáy Đại Tây Dương, mặc dầu
người ta có đủ lý do để tin vào sự kiện ấy trước rất nhiều bằng chứng lịch sử,
khoa học và văn hóa.
Một tài liệu lịch sử quan trọng là bộ sách «Crisias và Timeus» của Platon. Trong đó, tác giả tường thuật những
điều ông đã nghe nói về châu Atlantide.
Một trong những bằng chứng khoa học thường được nêu ra là sự khám phá
của các nhà bác học, nhân dịp một sợi dây cáp ngầm dưới Đại Tây Dương bị đứt và
chìm xuống đáy biển ở một độ sâu ba ngàn thước. Khi sợi dây cáp được vớt lên,
thì nó dính theo những mẫu phún thạch (lava). Khi người ta phân tích những mẫu
phún thạch này thì thấy rằng ngày xưa chúng đã từng đông đặc lại trên đất liền
trước khi chìm xuống đáy biển.
Trong những bằng chứng văn hóa đáng kể nhất thì trước hết là những huyền
thoại về cuộc đại hồng thủy. Người ta không chỉ gặp những huyền thoại này trong
bộ Kinh Thánh (Bible), mà còn cả trong những truyện thần thoại tôn giáo và lịch
sử của hầu hết những dân tộc cổ xưa trên thế giới.
Kế đó là những điểm tương đồng giữa những ngôn ngữ, văn tự và kiến trúc
của Ai Cập và Trung Mỹ, ở vào một thời kỳ mà người ta không thấy có những
phương tiện giao thông giữa hai lục địa châu Mỹ và châu Phi.
Tất cả những bằng chứng kể trên có thể giúp cho người ta tin tưởng vào
sự hiện diện của châu Atlantide, dù vẫn chưa đủ để đưa đến một kết luận chắc
chắn. Nhưng nếu ta tin vào kết quả những cuộc soi kiếp của ông Cayce, thì châu
Atlantide đã từng hiện hữu một cách hiển nhiên, không còn nghi ngờ gì nữa.
Theo ông Cayce, một vài gian phòng bí mật hãy còn khóa chặt trong Đại
Kim tự tháp ở Ai Cập, một ngày kia sẽ có thể tiết lộ cho chúng ta một kho tài
liệu đầy đủ về lịch sử và nền văn minh của châu Atlantide. Ông Cayce cho biết
rằng, những tài liệu đó được chôn giấu trong Kim tự tháp bởi những người dân
Atlante ngày xưa di cư qua Ai Cập trong cuộc thiên tai địa chấn lần thứ ba và
cũng là lần cuối cùng đã nhận chìm châu Atlantide xuống đáy biển vào khoảng
chín ngàn năm trăm năm trước Tây lịch.
Ông Cayce cũng nói rằng, đảo Bimini ở ngoài khơi tiểu bang
Những cuộc soi kiếp cũng cho biết dân Atlante ngày xưa đã từng đạt tới
một trình độ khoa học tiến bộ hơn cả chúng ta ngày nay. Họ đã từng phát triển
đến một mức độ rất cao trong các ngành điện khí, vô tuyến điện, vô tuyến truyền
hình, những phương tiện di chuyển trên không trung, tàu ngầm, cùng phương pháp
sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng nguyên tử. Họ đã từng phát minh những
kỹ thuật dùng nhiệt lượng để thắp sáng và vận chuyển tiến bộ hơn chúng ta ngày
nay.
Điều đáng ghi nhớ là những cuộc soi kiếp của ông Cayce thường lặp đi lặp
lại nhiều lần rằng dân Atlante ngày xưa bị họa diệt vong vì họ đã lạm dụng
những sức mạnh kinh khủng mà họ chế ngự được. Họ dùng điện lực, khoa thôi miên
và sức mạnh của tư tưởng để đàn áp, chế ngự kẻ khác, hoặc sai khiến người khác
làm việc như những nô lệ, hoặc để cưỡng hiếp phụ nữ và thỏa mãn sắc dục.
Những sự lạm dụng quyền năng và những hành vi trái đạo kể trên không thể
cứu chuộc được một cách đầy đủ và trọn vẹn cho dù những kẻ phạm lỗi ấy đã phải
trải qua nhiều thời kỳ đớn đau khổ nhục để bù đắp, trong những thời kỳ mà khoa
học chưa được phát triển và người ta chưa có những kiến thức sâu rộng về khoa
tâm lý hoặc khoa huyền môn. Sự thử thách hữu hiệu nhất để biết một người đã
thắng được thói ăn uống vô tiết độ hay chưa là đặt trước mặt anh ta những món
cao lương mỹ vị, để xem anh ta có biết tự chủ hay không? Người ta không thể
biết được một người đã hoàn toàn tự chủ về sắc dục hay chưa, nếu người ấy chưa
gặp phải sự thử thách và bị cám dỗ mà vẫn không động lòng như thánh Antoine
ngày xưa, lòng vẫn thanh tịnh giữa những giai nhân tuyệt sắc, đáng yêu! Cũng
vậy, những kẻ tội lỗi đã từng lạm dụng những quyền năng phi thường và mầu nhiệm
nhờ sự phát triển khoa học của châu Atlantide thuở xưa, chưa hẳn đã thực sự từ
bỏ thói ích kỷ tham tàn và thay đổi tâm tính, nếu họ chưa gặp những hoàn cảnh
tương tự của một thời kỳ phát triển khoa học và kỹ thuật như thời đại này để
thử thách xem họ có biết dùng những phương tiện đó với một tinh thần xây dựng,
hay là với mục đích ích kỷ hại nhân như thuở trước.
Sự tiến bộ theo từng chu kỳ của lịch sử đã làm cho thế kỷ hai mươi trở
nên một thời kỳ phát triển khoa học như vừa nói trên. Vì thế, những cuộc soi
kiếp của ông Cayce tiết lộ rằng có rất nhiều người dân Atlantide thời cổ nay đã
tái sinh vào thời kỳ hiện tại.
Những tiến bộ về kỹ thuật và khoa học của thời đại này có thể hiểu theo
hai cách. Trước hết, đó là kết quả những kinh nghiệm về phát minh khoa học mà
những người dân Atlantide đã mang theo từ những tiền kiếp quá khứ xa xăm của họ
ở châu Atlantide ngày xưa. Thứ hai, thời kỳ này có thể xem là giai đoạn thử
thách cho những con người đã từng phạm tội đó, để bộc lộ rõ trong suốt thời
gian qua họ đã thâu thập được những đức tính gì khả dĩ giúp cho họ chống lại sự
cám dỗ do thói ích kỷ và tàn bạo còn rơi rớt lại của thế hệ văn minh khoa học
vật chất.
Vì thế, có vẻ như yếu tố căn bản quyết định vấn đề quả báo không tức thì
là việc những ai đã gây nghiệp quả xấu phải chờ đến khi tái sinh vào một thời
kỳ thuận tiện, hội đủ những điều kiện để quả báo xấu của họ thực sự chín muồi.
Vấn đề này hình như cũng có liên quan đến sự tiến bộ từng chu kỳ của
lịch sử và sự luân phiên của những tâm thức tương đồng trong việc tái sinh cùng
lúc vào những thời kỳ thích hợp. Những trào lưu chủng tộc và các sắc dân trên
địa cầu dường như cũng tái sinh trở lại thế gian theo từng giai đoạn, ví như
những luồng sóng dập dồn nối nhau từng chu kỳ, theo định luật tuần hoàn của vũ
trụ.
Tuy nhiên, có nhiều đoạn ghi nhận trong các cuộc soi kiếp của ông Cayce
chỉ ra rằng sự tái sinh của các nhóm thiểu số trong những nhóm lớn đó, và thậm
chí trường hợp của từng cá nhân trong các nhóm ấy, không phải do một sự tiền
định hoặc theo từng khuôn mẫu hay chu kỳ nhất định. Trường hợp của mỗi một tâm
thức cũng như từng nhóm tâm thức có nghiệp lực tương đồng không phải bao giờ cũng
tái sinh một cách đều đặn như một sự việc đã định sẵn. Điều này còn phụ thuộc
vào nhiều yếu tố khác tác động từ bên ngoài (các duyên) cũng như những thay đổi
bên trong của từng tâm thức riêng biệt.
Về điểm này, cũng như trên những lãnh vực khác của sự sống trong vũ trụ,
con người vốn luôn có quyền tự do ý chí, và mỗi cá nhân hay một nhóm người đều
luôn có quyền tự do chọn lựa những điều kiện liên quan đến sự tái sinh của
mình, nếu họ có đủ sáng suốt. Nhận xét này gợi lên một sự phức tạp mới nữa: Nếu
một tâm thức muốn phát triển những đức tính hay công hạnh nào đó, tâm thức ấy
cần có sự chọn lựa một thời điểm tái sinh thích hợp, với những điều kiện thích
hợp Và sự tu dưỡng của cá nhân mỗi tâm thức cũng là điều kiện góp phần vào việc
tâm thức ấy có phải tức thời nhận lãnh những quả báo xấu mà mình đã tạo ra hay
không.
Những sự kiện kể trên là những yếu tố góp phần giải thích hiện tượng quả
báo không tức thì sự tu dưỡng tinh thần là một yếu tố quan trọng luôn phải được
xét đến, bởi nó vừa mang tính chủ quan của mỗi cá nhân, vừa tạo ra những tác
động khách quan khiến cho mọi hoàn cảnh đều có thể thay đổi. Với sự tu dưỡng
tinh thần, người ta có thể chịu đựng những quả báo xấu khi chúng xảy đến và xem
đó như những cơ hội để rèn luyện, tu dưỡng, nhằm hoàn thiện tinh thần hơn nữa.
Mặc dù không thể tránh khỏi việc nhận lãnh những quả báo xấu do lỗi lầm đã mắc
phải trong quá khứ, nhưng một người biết tu dưỡng có thể xem đó chính là cơ hội
để thâu thập, rèn luyện những đức tính cần thiết để tiếp tục đương đầu với quả báo
khác nữa khi nó tuần tự xảy đến trong cuộc luân hồi.
Nhiều người bệnh tật khi được ông Cayce soi kiếp và được cho biết rằng
nguồn gốc bệnh trạng của họ được truy nguyên ra từ nhiều kiếp trước, đều lấy
làm tò mò muốn biết lý do của sự kéo dài như thế. Những người muốn làm sáng tỏ
vấn đề này bằng một cuộc soi kiếp thứ nhì, đều nhận được câu trả lời giống như
của cô thiếu nữ què mà chúng tôi đã kể chuyện trong chương 5. Cô này hỏi:
- Tại sao đến kiếp này tôi mới phải trả nghiệp quả mà tôi đã gây ra từ
thời đế quốc La Mã?
Cô ấy được trả lời như sau:
- Bởi vì không có đủ những điều kiện thích hợp để quả báo của cô chín
muồi vào một thời điểm sớm hơn.
Như vậy, khi một quả báo xấu không đến sớm hơn, đó là vì có những nguyên
do chủ quan bên trong lẫn những điều kiện khách quan bên ngoài. Trong trường
hợp này cũng như nhiều trường hợp bệnh tật khác, một sự nghiên cứu tỉ mỉ về
những kiếp trung gian thường cho thấy rằng đương sự đã có những chuyển hóa tốt
đẹp hơn qua sự tu dưỡng, hoặc biết tận dụng nhiều cơ hội để phát triển thêm
những đức tính và có sự tiến hóa về mặt tinh thần. Chính vì thế mà những điều
kiện nhân duyên thuận lợi cho sự chín muồi của một quả báo xấu đã không được
tạo ra.
Thí dụ, nếu chúng ta xét lại trường hợp của người thiếu niên mười sáu tuổi,
bị thương nặng trong vụ tai nạn xe hơi như đã kể trên, chúng ta thấy rằng
nguyên nhân của nghiệp quả này là do anh ta đã gieo từ thời kỳ đế quốc La Mã.
Tuy nhiên, trong một kiếp trước đây khi tái sinh vào thời kỳ Cách mạng ở Bắc
Mỹ, anh ta cho thấy có sự phát triển nhiều đức tính như lòng can đảm, yêu đời
và khả năng khai thác khía cạnh tốt của mọi hoàn cảnh. Những đức tính đó hoàn
toàn không phải tự nhiên có được, mà nó biểu lộ sự nỗ lực của các nhân trong sự
vươn lên hoàn thiện chính mình. Và điều đó không phải gì khác hơn mà chính là
một trong những hình thức tu dưỡng tinh thần. Nhờ đó mà những điều kiện thích
hợp cho sự chín muồi của một quả báo xấu đã bị ngăn chặn.
Một thí dụ sau đây có thể giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Một người vay tiền của ngân hàng để kinh doanh. Anh ta không thể trả hết số nợ
đó trong vài ngày hay một tuần lễ, hoặc một tháng ngay sau khi vay. Việc kinh
doanh của anh ta cần có thời gian, và vì thế sự trả nợ cũng phải có một thời
gian, kỳ hạn nhất định. Những món nợ nghiệp quả cũng tương tự như thế, cần có
một kỳ hạn nhất định trước khi chín muồi và biểu hiện thành những sự kiện tốt
hay xấu trong đời người.
Đó là những lý do khách quan cũng như chủ quan có thể giải thích cho
việc người ta thường không nhận lãnh những quả báo xấu một cách tức thìù.
Nếu một ngày kia thuyết luân hồi được tất cả mọi người thừa nhận, và nếu
quan niệm về nhân quả được quần chúng Tây phương cũng như Đông phương hiểu rõ,
ít nhất là trên nguyên tắc đại cương, thì chắc chắn vấn đề quả báo không tức
thì sẽ có ý nghĩa răn đe hữu hiệu đối với rất nhiều người! Cái ý tưởng rằng một
hành động độc ác nào đó trong quá khứ rồi chắc chắn sẽ dẫn đến những quả báo
phải chịu đui mù, tàn tật trong một kiếp tương lai xa hay gần sẽ là một bản án
treo làm cho người ta phải cảm thấy lo sợ, cân nhắc mỗi khi sắp phạm vào một sự
lỗi lầm. Đối với những người nhạy cảm và có đức tin mạnh mẽ thì một món nợ nhân
quả không được biết rõ cũng ví như một lưỡi gươm của Damoclès treo lủng lẳng
phía trên và chực chờ rơi xuống đầu họ bất cứ lúc nào, và điều đó có tác dụng
giúp họ luôn phải biết lo sửa mình tu dưỡng thay vì sống buông trôi theo lạc
thú.
Đối với một số người thì thuyết nghiệp quả có thể chỉ là một sự dọa dẫm
mơ hồ và hoàn toàn không có cơ sở khoa học, cũng như hình tượng quỷ Satan và
lửa hỏa ngục đã từng là một mối đe dọa làm nhiều người sợ hãi trong nhiều thế
hệ đã qua! Để chống lại cái khuynh hướng sợ sệt mơ hồ đó, họ đi đến việc phủ
nhận toàn bộ vấn đề quả báo, cũng như phong trào Khoa học Công giáo (Science Christienne)
đã từng phủ nhận mọi tội lỗi, sự lầm lạc... Tuy nhiên, sự phủ nhận vật chất thế
gian cũng như vấn đề tội lỗi và quả báo không có ý nghĩa giải quyết vấn đề!
Điều nên làm của chúng ta không phải là giấu giếm sự thật, như con chim đà điểu
vùi đầu xuống cát để giấu mình, mà là phải thấu hiểu được sự thật để biết tự
chế phục mình và xây dựng cuộc đời này theo những lý tưởng hay khuynh hướng tâm
linh cao cả.
Sự phủ nhận nhân quả chẳng khác nào không thừa nhận những món nợ mà mình
phải trả hay những bài học mà mình cần phải học hỏi, và đó là một thái độ bất
lương. Kẻ nào muốn gạt gẫm hay trốn tránh trách nhiệm, dầu đó là những trách
nhiệm vật chất hay tinh thần, đều không thể gây cho người khác lòng mến phục.
Thói thường, khi người ta không thích một điều gì, người ta hay lý luận
một cách khôn khéo để phủ nhận điều ấy. Đó cũng là một sự trốn tránh trách
nhiệm. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là mọi sự lý luận hay dẫn dụ
(suggestion) đều là vô ích. Trái lại, sự dẫn dụ có thể rất hữu ích để chữa
những bệnh trạng thuộc về tâm lý. Chúng ta đã thấy trường hợp lý thú của đứa
trẻ bị chứng bệnh đái dầm và phương pháp dẫn dụ để đánh tan mặc cảm tội lỗi hằn
sâu trong tiềm thức, đã chữa cho em ấy được khỏi bệnh.
Nếu các nhà tâm lý học muốn chữa những chứng bệnh về mặc cảm tội lỗi thì
phương pháp điều trị tốt nhất là làm cho bệnh nhân thành thật nhìn nhận những
tội lỗi đã gây ra; bày tỏ một ý muốn chân thành muốn chuộc lỗi, và sau cùng
phải bày tỏ sự cương quyết làm việc tốt và hướng thiện, nghĩa là theo hướng ngược
lại với tội lỗi đã gây ra. Như vậy, quả báo sẽ dần dần giảm nhẹ cho đến tiêu
tan, và bệnh sẽ thuyên giảm.
Nếu chúng ta chấp nhận thuyết luân hồi thì ta phải nhìn nhận rằng nhân
loại chưa có được sự tiến hóa cao về phương diện tâm linh, vì thế mà con người
còn phải chịu những quả báo xấu trong nhiều kiếp sống tương lai. Nhưng ta không
nên quá băn khoăn lo sợ vì điều đó. Tục ngữ phương Tây có câu: «Mỗi ngày chỉ chịu đựng vừa đủ sự khổ nhọc
của nó!» (A chaque jour suffit sa peine.) Câu này ngụ ý là ta nên sống mỗi
ngày một cách bình tĩnh, chấp nhận mọi sự việc mà không cần phải băn khoăn lo
lắng. Chẳng những là mỗi ngày mà mỗi kiếp sống cũng vậy; dầu cho ta có bị những
khó khăn đau khổ như thế nào, ta cũng phải sống trọn đời sống của mình với một
niềm tin tưởng chắc chắn rằng những gì xảy đến cho ta là rất công bình, và ta
luôn có đủ sức chịu đựng mọi điều xảy đến. Không gì có thể xem là quá sức chịu
đựng của ta trong đời sống cả.
Hơn nữa, dầu cho ta có tin vào luật nhân quả hay không, ta cũng phải
thừa nhận rằng tương lai là một cái gì mà ta không thể biết được một cách chắc
chắn. Và nếu ta tin rằng những tai họa xảy đến cho ta là do lẽ nhân quả báo ứng
chứ không phải do sự ngẫu nhiên tình cờ hay ý muốn của một đấng toàn năng, thì
những nỗi băn khoăn sợ sệt của ta sẽ tự nó tan biến, vì lý do giản dị là quả
báo luôn xảy đến cho ta theo một định luật công bằng tuyệt đối.
Con người thường hay sợ sệt những tai họa sẽ đến, nhưng nếu biết rằng sự
việc luôn xảy đến một cách công bằng thì ta sẽ chẳng có gì phải lo sợ hay trốn
tránh. Ngược lại, mỗi tai họa còn có thể là một cơ hội để mang đến cho ta một
bài học hay và mở rộng tầm kiến thức cũng như rèn luyện và tu dưỡng tinh thần.
Như vậy, rõ ràng đó không phải là một điều đáng sợ.
Một người lương thiện nếu biết mình mắc nợ thì phải cố gắng lo việc trả
nợ; anh ta sẽ làm việc một cách siêng năng chăm chỉ để có thể trả hết món nợ
vào đúng kỳ hạn, nhưng hoàn toàn không cần thiết phải lo lắng sợ sệt về việc
ngày trả nợ sẽ đến. Người ấy chỉ cần đem hết tinh thần, sức lực, cố gắng làm
việc để có thể trả dứt nợ nần, vì đó mới là sự nỗ lực đúng hướng nhất.
Vì tầm ý thức của chúng ta có giới hạn nên chúng ta không thể biết được
rằng mình đã mắc phải bao nhiêu món nợ quả báo trong những tiền kiếp thuộc về
quá khứ xa xăm. Nhưng dù vậy, chúng ta cần phải có thái độ thẳng thắn của một
người lương thiện, chấp nhận những món nợ của ta với một thiện chí và chân
thành muốn trả nợ. Sự chấp nhận luật nhân quả và tin tưởng vào sự công bằng
tuyệt đối của nó chính là thái độ tích cực nhất của chúng ta đối với mọi quả
báo xảy đến.
Khi có thể đặt niềm tin vào sự tác động công bằng của luật nhân quả thì
chắc chắn ta không thấy có bất cứ điều gì cần phải sợ sệt cả. Những ai gieo gió
sẽ phải gặt bão, và nếu nỗ lực làm thiện thì sẽ được hưởng những quả báo tốt
đẹp. Chỉ có thế thôi!
Comments
Post a Comment