nbacd-17 - Nghiệp Quả Giữa Cha Mẹ và Con Cái

 

Chương 17

Nghiệp Quả Giữa Cha Mẹ
và Con Cái

 

 

Trải qua nhiều thế kỷ, gia đình vẫn là một cấu trúc đặc biệt độc lập trong mọi xã hội, với vai trò gia trưởng của người cha, hay người mẹ theo phong tục ở một vài xứ. Theo một quan niệm xưa kia, người ta xem con cái như là vật sở hữu của cha mẹ, vì chúng được sinh ra bởi sự mang nặng đẻ đau và hy sinh của người mẹ, được nuôi dưỡng bởi sự khó nhọc vất vả của người cha.

 

Về phương diện thể chất, những người làm cha và mẹ có một thể chất khỏe mạnh hơn, nhiều kinh nghiệm sống hơn con cái; vì lẽ đó, đương nhiên họ giữ quyền quyết định mọi việc trong gia đình.

 

Nhưng về phương diện tâm linh thì chưa hẳn cha mẹ đã là tuyệt đối cao cả hơn con cái. Tất cả chúng sinh đều là những thực thể bình đẳng trong vũ trụ. Hơn nữa, về mặt tâm linh thì cha mẹ không có quyền sở hữu con cái, thậm chí cũng không được xem là những người tạo ra con cái. Sự ra đời của một con người là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố, mà trong đó cha mẹ chỉ là những yếu tố biểu hiện rõ nét nhất. Ngoài ra còn có những yếu tố ẩn tàng nhưng không kém phần quan trọng, chẳng hạn như những điều kiện nhân duyên, nghiệp quả... dẫn đến sự ra đời trong kiếp sống này của một chúng sinh nào đó.

 

Vì thế, với một nhận thức toàn diện và chính xác hơn thì người ta không xem con cái là «thuộc quyền sở hữu» của cha mẹ. Nếu cha mẹ thực sự có giữ quyền quyết định một số vấn đề quan trọng liên quan đến con cái, thì điều đó phải là xuất phát từ tình thương yêu vô bờ bến mà họ dành cho con cái, cũng như trách nhiệm thiêng liêng là mang lại cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc cho tất cả đứa con mà mình đã sinh ra.

 

Cho nên, những bậc cha mẹ mẫu mực thường không có một thái độ áp chế của kẻ bề trên hoặc ghét bỏ đối với con cái. Họ luôn giữ một thái độ bình thản ôn hòa đối với con cái, và đôi khi cũng cần thiết phải che giấu đi sự thương yêu nồng nhiệt trong lòng mình để sự giáo dục con cái được tốt đẹp hơn. Ngoài lòng thương yêu, họ còn nhận biết là mình có bổn phận phải nuôi dưỡng chăm nom con cái thật tốt, cũng như cha mẹ họ trước đây đã làm với họ.

 

Thái độ yêu thương và trân trọng đối với con cái thường chỉ có được khi các bậc cha mẹ luôn nhận thức được rằng, là «Tất cả chúng sinh đều bình đẳng như nhau.»

 

Những cuộc soi kiếp của ông Cayce cho biết rằng mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái không phải do sự ngẫu nhiên tình cờ. Những sợi dây liên hệ quan trọng này đã có sẵn từ những kiếp trước giữa người con với người mẹ hay người cha, thường là theo chiều hướng tốt đẹp, quyến luyến với nhau. Trong những trường hợp rất hiếm khi sự liên hệ này có chiều hướng rất xấu, chẳng hạn như một mối oan khiên nặng nề nào đó đã cuốn hút những chúng sinh này đến với nhau trong một gia đình để cùng nhau «thanh toán» món nợ cũ, thì tình trạng gia đình khi ấy sẽ trở thành một hoàn cảnh thích hợp để những nghiệp quả chín muồi sớm kết thành quả báo.

 

Những hồ sơ Cayce cho biết rằng duyên nghiệp của một đứa con đối với người cha có thể theo một chiều hướng khác với người mẹ, hoặc ngược lại. Điều này giải thích vì sao có những trường hợp mà con cái có khuynh hướng dửng dưng hoặc lạnh nhạt với người cha hoặc người mẹ, trong khi vẫn có được tình cảm tốt đẹp đối với người kia.

 

Những trường hợp dưới đây chỉ cho ta thấy một cách đặc biệt nhiều mối liên hệ khác nhau giữa cha mẹ và con cái. Hai mẹ con người kia có một tình mẫu tử rất khắn khít và họ đã từng có quan hệ mẹ con trong một kiếp trước. Hai cha con người kia cũng có một tình phụ tử nồng nàn và trong một kiếp trước họ đã là hai anh em trong một gia đình. Một người mẹ không hợp tính với con gái của bà và được biết là họ đã từng có nhiều hiềm khích với nhau trong kiếp trước. Giữa một người con gái kia với người mẹ của cô ấy chỉ có một sự dửng dưng lạnh nhạt và cuộc soi kiếp cho biết rằng kiếp trước hai người là chị em ruột nhưng lại có một mối bất hòa rất sâu sắc, thường xung đột cãi vả lẫn nhau và vẫn chưa bao giờ hòa thuận trở lại. Hai cha con người kia kiếp trước đã từng là hai vợ chồng. Một người mẹ và cô con gái thường xung đột lẫn nhau và được biết rằng trong kiếp trước họ từng là hai bạn gái cùng tranh nhau một người đàn ông. Trong hai mẹ con người kia, người con trai hay lấn át người mẹ và được biết là trong kiếp trước họ từng là hai cha con, với mối liên hệ gia đình trái ngược lại.

 

Những trường hợp đó chỉ ra rằng sự hấp dẫn của con cái đến với cha mẹ có thể do tác động của rất nhiều yếu tố khác nhau. Những yếu tố đó phần nhiều đều không nhìn thấy được bằng mắt thường.

 

Những hồ sơ Cayce giúp ta có được những tài liệu để suy gẫm, nhưng không có đầy đủ chi tiết để ta có thể diễn dịch ra thành những định luật hay nguyên tắc nhất định. Tuy nhiên, có vẻ như theo luật hấp dẫn trong tự nhiên thì những người đồng thanh khí và giống nhau về tâm tình, tánh chất thường có khuynh hướng đến gần nhau hơn, do đó rất dễ sinh ra trong cùng một gia đình. Nhưng đồng thời, do tác động của luật nhân quả, những kẻ thù oán nhau và có «nợ nần» với nhau cũng có khuynh hướng đến gần nhau. Điều này cũng tương tự như khi một người nuôi lòng oán hận ai đó thì lúc nào trong tâm trí anh ta cũng luôn lởn vởn hình bóng của người kia.

 

Một thí dụ điển hình là trường hợp đứa trẻ kia được ông Cayce soi kiếp khi mới lên năm tuổi. Cuộc soi kiếp cho biết những cá tính nổi bật của đứa trẻ này là thói ích kỷ, sự thờ ơ lãnh đạm với người khác và ngoan cố không chịu phục thiện khi có lỗi. Nhưng nó có những năng khiếu tiềm tàng của một nhà khảo cứu khoa học. Trong một kiếp trước, nó từng là một nhà nghiên cứu về khả năng sử dụng hơi nước để tạo ra năng lượng. Trong một kiếp trước đó, nó từng là một chuyên viên hóa học chế tạo các loại chất nổ; trong kiếp trước nữa nó là một chuyên viên ngành cơ khí; và đi lùi về quá khứ thêm một kiếp nữa, nó là một kỹ sư điện khí ở châu Atlantide. Bốn kiếp sống với sự hoạt động tích cực trong các ngành khoa học thực dụng đã làm cho đương sự phát triển những khả năng đặc biệt, nhưng lại quá thiên về giá trị của khoa học vật chất mà khinh rẻ giá trị của tình thương và sự hòa hợp nhất tâm linh giữa muôn loài. Bởi đó, nó sinh ra sẵn có một thái độ thản nhiên lạnh lùng đối với mọi người chung quanh.

 

Cuộc soi kiếp còn cho biết rằng đứa trẻ ấy sẽ thành công vẻ vang trong kiếp này nếu nó theo đuổi ngành kỹ thuật điện khí hay cơ khí. Lời tiên tri đã tỏ ra hoàn toàn đúng. Đứa trẻ ấy bây giờ đã trở thành một kỹ sư điện khí rất giỏi và những điểm chính trong tánh tình của anh ta đều giống như cuộc soi kiếp đã tiết lộ, tuy rằng đã có một vài sự thay đổi tốt hơn nhờ ảnh hưởng của hoàn cảnh gia đình trong kiếp sống hiện tại.

 

Nếu xét theo luật tương ứng thì những người có tâm tính giống nhau sẽ có khuynh hướng đến gần nhau, nhưng trong trường hợp này thì đứa trẻ đã không sinh ra trong một gia đình khoa học có tri thức tương ứng, chẳng hạn như với một người cha là kỹ sư và người mẹ là giáo sư đại học. Trái lại, nó đã thực sự sinh ra trong một gia đình gồm toàn những người nuôi lý tưởng vị tha, không xem trọng những giá trị vật chất. Người cha đứa bé có óc tín ngưỡng tôn giáo và thích những hoạt động từ thiện xã hội; người mẹ tuy kém năng lực xã giao nhưng cũng có khuynh hướng hoạt động từ thiện xã hội do ảnh hưởng của người cha. Người anh cả của đứa trẻ cũng là một người có lý tưởng vị tha và hoạt động chính của anh ta là giúp đỡ kẻ khác.

 

Xét về bề ngoài, thì sự ra đời của một đứa trẻ như thế trong gia đình này là có phần nghịch lý. Tuy nhiên, chính những sự tương phản này lại có một tác dụng vô cùng tích cực. Chính nhờ sinh trong một gia đình có lý tưởng vị tha giúp đời mà đứa trẻ này đã có cơ hội phát triển tình thương và đức tính vị tha trong tâm tính của nó. Nhờ có dịp tiếp xúc thường xuyên trong gia đình với những người nuôi lý tưởng phụng sự kẻ khác nên tâm tính của đứa trẻ đã được chuyển hóa theo chiều hướng tích cực hơn. Óc thực tế và khoa học của đứa trẻ thường ảnh hưởng đến những người khác trong gia đình một cách lành mạnh, và lý tưởng vị tha của họ hằng ngày luôn nhắc nhở cho nó biết rằng ngoài những giá trị vật chất của cuộc đời còn có những giá trị đạo đức tâm linh cao cả hơn. Tuy rằng kinh nghiệm đó không đưa đến một sự thay đổi hoàn toàn cá tính căn bản của đứa trẻ là óc khoa học thực dụng, nhưng cũng đã ảnh hưởng tích cực đến con người của nó và làm cho nó giảm bớt sự ích kỷ khô khan cũng như trở nên cởi mở hồn nhiên hơn về mặt giao tế xã hội.

 

Như thế, hoàn cảnh đầu thai dường như có quan hệ đến nhiều yếu tố phức tạp chứ không chỉ đơn thuần tuân theo một vài nguyên tắc mà người ta thường nhắc đến. Những tài liệu hồ sơ Cayce cho thấy rằng sự tái sinh của một tâm thức dường như cũng có ít nhiều sự tự do chọn lựa hoàn cảnh và gia đình trong một số trường hợp, nhưng trong hầu hết các trường hợp khác thì điều đó phụ thuộc vào các điều kiện nhân duyên và nghiệp quả là chính.

 

Có một vài bằng chứng cho thấy rằng đối với những tâm thức nào có trình độ tâm linh cao, nghĩa là đã qua sự dày công tu dưỡng, thì khả năng tự do chọn lựa ấy càng được gia tăng, còn đối với những người bình thường thì hầu như khả năng ấy rất hạn chế.

 

Thật không dễ gì hiểu được những lý do khiến cho một người sinh ra trong một căn nhà ổ chuột tối tăm với cha mẹ bần cùng khốn khó, hoặc với một thể xác yếu đuối bệnh tật và những hoàn cảnh bất lợi khác; trong khi một người khác lại sinh ra trong một gia đình giàu có sung túc hoặc quyền thế hơn người. Nhìn thoáng qua sự việc thì dường như chỉ là những sự tình cờ may rủi; nhưng nếu xét theo luật nhân quả thì có thể thấy rằng tất cả những điều ấy đều có những nguyên do sâu xa của nó.

 

Một điểm lý thú khác được tìm thấy trong những tập hồ sơ Cayce là ảnh hưởng quan trọng của người mẹ trong suốt thời gian đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ. Những cuộc soi kiếp thường khuyên các bà mẹ đang mang thai hãy thận trọng giữ gìn tránh những tư tưởng xấu và cố gắng rèn luyện, nuôi dưỡng những tư tưởng cao thượng, vị tha trong suốt thời kỳ thai nghén, vì những tư tưởng của người mẹ ảnh hưởng rất lớn đến bào thai và quyết định một phần nào tâm tính của đứa con về sau này.

 

Dưới đây là một đoạn vấn đáp trong tập hồ sơ Cayce về vấn đề này:

 

Hỏi: Tôi đang mang thai, tôi nên có một thái độ tinh thần như thế nào trong những tháng sắp tới?

 

Đáp: Điều đó tùy thuộc vào sự mong muốn của bà đối với đứa con sau này. Nếu bà muốn con bà là một nghệ sĩ hay nhạc sĩ, bà hãy dành nhiều thời gian suy nghĩ và tiếp xúc với âm nhạc, nghệ thuật. Nếu bà muốn con bà sẽ giỏi về máy móc, kỹ thuật, bà hãy nghĩ nhiều đến những điều ấy. Bà đừng tưởng rằng những điều ấy không có ảnh hưởng gì!

 

Đây là một điều mà các bà mẹ đều nên biết: tâm trạng của người mẹ trong khi thai nghén có ảnh hưởng rất nhiều đến tánh tình của đứa trẻ sau này.

 

Tóm lại, sự ra đời của một con người không phải là một sự tình cờ, và việc một đứa trẻ lọt lòng mẹ chào đời không phải là một điều giản dị như nhiều người lầm tưởng. Mối quan hệ giữa các bậc cha mẹ với con cái rõ ràng là rất đa dạng và phức tạp, luôn bắt nguồn từ những liên hệ sâu xa trong quá khứ và cần được xác lập trên nền tảng của những mục đích tinh thần cao quý hơn là những giá trị vật chất thô thiển nhìn thấy được.



______________________________________________



Comments

Popular posts from this blog

21 - Qui luật XIX: Các bạn hãy tự do

nbacd-18 - Vài Loại Nghiệp Quả Gia Đình

08 - Qui luật VI: Các bạn hãy phụng sự lý tưởng tùy theo tính chất và trình độ mình