nbacd-18 - Vài Loại Nghiệp Quả Gia Đình

 

Chương 18

Vài Loại Nghiệp Quả Gia Đình

 

 

Một trong những điều buồn thảm nhất của các bậc cha mẹ là sinh ra một đứa con tàn tật. Về phương diện thể chất, điều này là một gánh nặng về phí tổn tiền bạc và công lao chăm sóc cho đứa trẻ. Về phương diện kinh tế xã hội, đó là một gánh nặng của toàn xã hội vì phải nuôi dưỡng một phế nhân có thụ hưởng mà không sản xuất. Về phương diện tâm linh, điều này có thể gây cho con người một sự hoài nghi về lòng nhân từ của Thượng Đế, và một sự băn khoăn lo ngại cho hạnh phúc tương lai của đứa trẻ.

 

Nhưng đối với những người cha mẹ đau khổ đó, niềm tin vào luật nhân quả có thể mang đến cho họ lòng can đảm và nghị lực.

 

Trước hết, theo luật nhân quả thì tất cả mọi sự tai ương, tật ách hay đau khổ của con người đều có những nguyên nhân nhất định, do chính ta đã tạo ra trong quá khứ. Hơn nữa, sự liên hệ giữa cha mẹ và đứa con bị phế tật cũng phải hiểu là do nhân quả. Và khi tin hiểu được như thế, cho dù phải khổ đau hoặc vất vả rất nhiều khi có một đứa con dị tật, những người cha mẹ vẫn có thể chấp nhận sự thật đó mà không sinh lòng oán hận hay chán nản.

 

Những cuộc soi kiếp cho những đứa trẻ bị câm điếc hoặc những khuyết tật khác luôn cho biết rằng:

 

- Quả báo xấu này vừa là của cha mẹ, vừa là của bản thân đứa trẻ.

 

Một trong những thí dụ điển hình về loại quả báo này là trường hợp của một cô gái nhỏ người Do Thái mới mười hai tuổi, bị chứng động kinh từ thuở sơ sinh. Chứng bệnh này không những rất đáng sợ khi cô bị lên cơn, mà còn là một trở ngại rất lớn cho sự phát triển cá tính của cô.

 

Theo cuộc soi kiếp thì người cha, người mẹ và cô gái, cả ba người đã từng sum họp với nhau trong kiếp trước trong một gia đình ở Bắc Mỹ, hồi thời kỳ khởi nghĩa giành độc lập. Trong kiếp sống đó, cha mẹ cô gái nhận thấy rằng việc đi theo chế độ cũ của người Anh có lợi về vật chất hơn là theo phe khởi nghĩa, nên họ hoạt động để cung cấp tài liệu tin tức cho người Anh. Cô gái khi đó là một thiếu nữ đẹp và thông minh, và điều này là những yếu tố có thể giúp ích cho những mưu toan đen tối của cha mẹ cô. Thay vì giữ cô trong nhà, cha mẹ cô lại khuyến khích cô dùng sắc đẹp và sự quyến rũ kia vào những mục đích chính trị có lợi cho gia đình họ.

 

Mặc dầu cuộc soi kiếp không nói gì về kết quả tấn tuồng ám muội kia, nhưng nó đã vạch rõ những hậu quả xấu của hành động ấy trong kiếp hiện tại. Xem xét những hậu quả này, chúng ta mới thấy rằng luật nhân quả luôn tác động một cách mầu nhiệm và chính xác vô cùng, không hề sai lệch. Cuộc soi kiếp cho cô gái bắt đầu như sau:

 

- Những người cha mẹ trong trường hợp này nên suy xét những kinh nghiệm đã qua bằng một cuộc soi kiếp cho chính họ để thấy được những bổn phận và trách nhiệm của họ đối với con cái.

 

Bất cứ người nào nhìn thấy sự đau khổ hiện tại của cô gái này đều phải nhận rõ sự kiện «nhân nào quả nấy», vì quả thật là «ai gieo giống nào sẽ gặt giống nấy». Cuộc sống phóng đãng trụy lạc của cô gái này trong kiếp trước đã để lại hậu quả cho cơ thể của cô trong hiện tại, vì ai gieo gió ắt sẽ gặt bão. Nhưng cha mẹ cô cũng phải chịu trách nhiệm một phần lớn về cuộc đời ô trược của của cô, vì họ đã thúc đẩy điều đó nhằm mục đích trục lợi. Bởi đó, chính họ là người phải chịu gánh lấy hậu quả xấu trong kiếp này.

 

Bản thân người con gái ấy bị chứng động kinh trong hiện tại là quả báo về sự dâm đãng phóng túng trong kiếp trước. Và chính cha mẹ cô chứ không phải ai khác phải tiếp tục có trách nhiệm nuôi dưỡng săn sóc người con bệnh tật này, vì sự sa đọa của cô trước đây phần lớn là do lỗi lầm của họ.

 

Một trường hợp lý thú khác là của một thiếu nữ ở New York bị mù mắt từ khi lọt lòng mẹ. Nhìn qua các tấm ảnh của cô ta thì thấy cũng khá đẹp. Người mẹ đã yêu cầu ông Cayce khám bệnh cho cô ấy, nhưng vì không có một cuộc soi kiếp nên không rõ sự mù lòa này có nguyên nhân từ đâu. Tuy nhiên, người mẹ có yêu cầu một cuộc soi kiếp cho chính bà ấy, và nhờ đó người ta mới thấy rõ mối liên hệ về nhân quả giữa hai mẹ con.

 

Trong một kiếp trước, người mẹ đã từng làm một giáo sư. Trong cuộc soi kiếp, ông Cayce nói:

 

- Người này đã lợi dụng một cơ hội để làm tiền và gieo sự rối rắm vào cuộc đời của một người đàn bà khác. Vì thế, trong kiếp này hai vợ chồng người ấy phải chịu quả báo vì thuở xưa đã hành động theo những mục đích ích kỷ mà không kể đến sự tổn hại gây ra cho người khác.

 

Người ta chỉ có thể phỏng đoán về tánh chất thật sự của tấn bi kịch này, trong đó hình như người cha cũng đóng một vai trò quan trọng. Tất cả những gì xảy ra đã được biết là vị giáo sư nói trên đã lợi dụng một người đàn bà để làm lợi riêng cho mình, khiến cho người đàn bà ấy phải buồn rầu và chịu nhiều đau khổ. Bản thân người đàn bà ấy cũng có một nghiệp ác từ trước dẫn đến quả báo là sự mù lòa. Kết quả của sự tương hợp này là cô đầu thai làm con gái của vị giáo sư trước kia.

 

Như vậy, việc người mẹ hiện nay (là vị giáo sư trước kia) sinh ra đứa con mù lòa chính là quả báo của hành vi xấu ác trong kiếp trước, nhưng đồng thời bản thân đứa con chịu mù lòa cũng là do ác nghiệp của chính nó.

 

Trường hợp thứ ba là một trường hợp rất lý thú về sự mất trí khôn của người con vì tội lỗi của một người mẹ. Trong một kiếp trước ở Palestine, người đàn bà này đã chế nhạo những kẻ tàn tật, bởi đó cô gây ra nhiều nghiệp ác dẫn đến việc cô sinh ra một đứa con thiếu trí khôn trong kiếp này.

 

Trong một trường hợp khác, đương sự là một thiếu nữ bị chứng to đầu vì trong não có nước, một chứng bệnh rất kỳ lạ và ít có. Người mẹ đã chết chỉ vài ngày sau khi sinh con, và người cha đã gửi đứa con vào một nhà từ thiện Công giáo. Khi đứa con lên bốn tuổi, người cha đến xin ông Cayce soi kiếp cho nó. Cuộc soi kiếp nói:

 

- Em bé này rất thông minh, hiểu biết hết mọi chuyện, biết gọi tên từng người và có thể theo dõi một cuộc nói chuyện lý thú. Nhưng em không thể đi đứng bình thường vì đầu em quá nặng và em phải luôn chú ý giữ cho đầu không bị nghiêng.

 

Ông Cayce không cho biết rõ lý do của căn bệnh ấy. Tuy thế, khi ông soi kiếp cho người cha, vì người này muốn biết sự liên hệ giữa ông với đứa con gái trong kiếp trước là như thế nào, thì chúng ta có thể qua đó để hiểu được phần nào câu chuyện. Nhưng câu trả lời của ông khá vắn tắt và khô khan:

 

- Trong kiếp trước, ông có phương tiện giúp đỡ kẻ khác nhưng ông đã làm ngơ không chịu giúp ai cả! Vậy trong kiếp này ông nên nuôi dưỡng lòng thương người.

 

Cuộc soi kiếp không nói ra đầy đủ chi tiết để ta biết rõ tánh ích kỷ của người này là như thế nào. Chỉ biết rằng trong kiếp trước ông ta là một người lái buôn ở Fort Dearborn, thâu gom được rất nhiều của cải vật chất nhưng lại rất kém cỏi về phương diện tâm linh.

 

Xét theo trường hợp này, ta thấy rằng nếu thản nhiên và làm ngơ trước sự đau khổ của kẻ khác thì chính ta rồi sẽ phải trải qua những đau khổ đó.

 

Một người nào đó có thể không quá độc ác đến mức cố ý gây thương tổn cho kẻ khác, nhưng người ấy lại thờ ơ không chịu làm bất cứ việc lành nào. Một thái độ thản nhiên trước sự đau khổ của đồng loại có thể không phải là một tội ác lớn để gây nên một nghiệp quả tàn tật xác thân. Nhưng xét từ một góc độ khác thì đó là một thái độ hoàn toàn thiếu thiện chí và sự thông cảm. Bằng cách này hay cách khác, nếu người ta không biết lưu tâm đến những sự lầm than khốn khổ của người khác, không có lòng nhân từ và thương xót kẻ khác thì điều tất nhiên là họ không dựa vào đâu để có thể làm sinh khởi và nuôi dưỡng tâm hướng thiện.

 

Cho nên, sự thờ ơ lãnh đạm trước nỗi đau của người khác không thể không chiêu cảm những quả báo không tốt đẹp. Kết quả những cuộc soi kiếp của ông Cayce cho thấy là trong trường hợp này thì quả báo ấy chính là nhận lấy cái kinh nghiệm đau thương của một người cha sinh ra một đứa con tàn phế! Do sự đau khổ nhìn thấy đứa con bị phế tật, mà người cha ấy mới có dịp cảm thông với sự đau khổ của những người khác.

 

Những trường hợp vừa kể trên cho chúng ta thấy rằng giữa cha mẹ và con cái luôn có những nhân duyên và nghiệp quả ràng buộc lẫn nhau. Ngoài ra cũng có những sợi dây duyên nghiệp giữa anh chị em trong một gia đình. Trong những hồ sơ của ông Cayce, có một trường hợp lạ lùng về sự thù nghịch giữa hai chị em nhà kia có thể minh chứng cho điều này.

 

Kể từ thuở còn thơ ấu, giữa hai chị em này đã có sự ganh ghét, đố kỵ và thù hằn lẫn nhau. Giữa hai chị em luôn xảy ra những cuộc xung đột cãi vã, thường khi chỉ vì những duyên cớ nhỏ nhặt không đâu. Sự thù nghịch đó không hề xảy ra giữa những người anh em khác trong gia đình.

 

Xét theo quan điểm tâm lý của Freud thì sự thù nghịch giữa hai chị em nhà này có thể truy nguyên ra bởi sự tranh giành tình thương của người cha. Nhưng theo sự quan sát bằng thần nhãn của ông Cayce thì giữa hai người có một sự ghen tuông sâu xa về tình cảm, vì trong một kiếp trước, người chị đã có sự hiểu lầm về mối quan hệ giữa người em gái mình với chồng của cô.

 

Khi thực hiện một cuộc soi kiếp cho cô em, ông Cayce đã cho biết về những mối liên hệ trong kiếp trước giữa cô với người chồng và người chị của cô hiện nay.

 

Trong kiếp trước, ba người cũng có mối quan hệ gia đình với nhau. Người chồng của cô bây giờ trong kiếp đó lại là chồng của người chị. Một ngày kia, người chồng đau nặng và vợ anh ta lại vắng nhà vì phải đi xa. Người em vợ, tức cô gái đang được soi kiếp, khi ấy lại là một nữ y tá và đã hết lòng chăm sóc cho anh rể. Người chồng nhanh chóng khỏi bệnh và phục hồi sức khỏe. Mặc dù sự chăm sóc của cô em vợ không hề vượt quá giới hạn của một nữ y tá đối với bệnh nhân, nhưng sự chăm nom tận tụy của cô không khỏi làm cho người anh rể phải bày tỏ một sự cảm kích và biết ơn sâu sắc. Mối quan hệ trong sáng giữa hai người không ngờ lại làm cho người chị hiểu lầm và đem lòng ghen tức. Sự ghen tuông vô lý ấy không bao lâu sau đã được nuôi lớn dần thành một sự thù ghét, hằn học, và sự căm hờn uất hận đó đã để lại ảnh hưởng sâu xa trong tâm hồn người đàn bà khó tính ấy đến nỗi cho đến kiếp này nó vẫn còn biểu lộ rõ nét trong tánh tình của cô ta.

 

Dưới đây là một trường hợp thứ hai về nghiệp quả ràng buộc giữa người anh và một cô em gái, hai anh em cùng sinh ra tại Anh quốc.

 

Trong Thế chiến thứ hai, hai người được một người phụ nữ Mỹ săn sóc. Bà này khi đó đang làm hiệu trưởng một trường học ở tiểu bang New England. Người anh lên mười tuổi, còn cô em mới lên năm tuổi. Bà mẹ nuôi của hai em là người biết rõ tâm lý trẻ con, nhờ có học qua về phần lý thuyết cũng như đã từng thực nghiệm trong đời làm nghề dạy học. Bà bắt đầu nhận thấy thái độ thù nghịch rõ rệt giữa hai anh em này, và đặc biệt là người anh tỏ ra luôn lấn lướt, «ăn hiếp» em mình.

 

Bà hiệu trưởng liền yêu cầu ông Cayce soi kiếp cho cả hai đứa bé. Cuộc soi kiếp đã tiết lộ cho biết một sự kiện rất lý thú:

 

- Hai đứa trẻ này trong kiếp trước là người thuộc hai bộ lạc đối nghịch ở xứ Ecosse. Hai bộ lạc này đã từng chia rẽ và thù nghịch nhau vì một sự tranh chấp từ lâu đời và đã từng đánh nhau nhiều trận ác liệt. Sự thù nghịch ấy tồn tại trong tâm thức của những người dân thuộc hai bộ lạc và biểu lộ trong kiếp này qua sự thù nghịch giữa hai đứa bé!

 

Hai thí dụ trên đây có thể chứng minh cho thuyết luân hồi nhân quả và đưa ra lời giải đáp những sự thù nghịch hay hờn ghen vô căn cứ giữa những người trong cùng một gia đình, làm cho họ bị giày vò khổ sở mà không hiểu được nguyên do.

 

Mọi gia đình đều có những xung đột do sự đụng chạm nhất thời. Tuy nhiên, những sự đụng chạm nhất thời đó thường không tạo thành một khuynh hướng thù nghịch rõ rệt. Và một khi có sự xuất hiện của những khuynh hướng thù nghịch không rõ nguyên nhân thì điều đó rất thường có thể do những nguyên nhân từ nhiều kiếp về trước.

 

Việc tìm ra nguyên nhân ở một kiếp trước về sự thù nghịch giữa hai người không đủ để làm tiêu tan sự thù nghịch ấy. Nếu hai người ấy không muốn kéo dài sự thù nghịch từ kiếp này sang kiếp khác thì trong kiếp này họ phải cố gắng nhẫn nại thay thế sự căm thù ấy bằng tình thương, và thay đổi sự đố kỵ chia rẽ bằng một lòng ưu ái và thiện cảm.

 

Lời khuyên trên đây không những áp dụng cho những anh em trong một nhà mà thôi, nó còn áp dụng cho mọi sự giao tế ngoài xã hội, cùng mọi sợi dây liên hệ ràng buộc chúng ta với tất cả mọi người trong cuộc đời.

 

Xét cho cùng, những sự thay đổi vị trí quan hệ trong một gia đình qua nhiều kiếp sống khác nhau cho thấy rằng thật ra mỗi chúng ta không bao giờ thuộc về một gia đình riêng biệt nhất định nào cả. Hay nói đúng hơn, hết thảy những mối quan hệ giữa cuộc sống thế gian này đều chỉ có giá trị nhất thời, tạm bợ, không bền chắc. Chỉ có một giá trị duy nhất luôn tồn tại qua mọi kiếp sống là tình thương chân thật vô điều kiện mà chúng ta đã dành cho người khác.



______________________________________________



Comments

Popular posts from this blog

21 - Qui luật XIX: Các bạn hãy tự do

08 - Qui luật VI: Các bạn hãy phụng sự lý tưởng tùy theo tính chất và trình độ mình