03 - Vào Đề

Vào Đề

 

«Con trùng biến thành con bướm.

Con bướm lấy hoa hồng… .

và con quạ hiện ra!!!»

(Tục ngữ khôi hài)

 

Ðể mở đầu, có lẽ một vài định nghĩa sau đây là hữu ích.

Con người làm chuyện Tà Ðạo là khi y dùng những quyền năng tiềm tàng của y để mưu lợi riêng cho sự phát triển cá nhân y, như vậy, y sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của kẻ khác. Phải hiểu phát triển cá nhân nghĩa là mọi sự bành trướng về giác quan, về cảm xúc hay về trí thức của một cá nhân, thực hiện được mà làm thiệt hại cho kẻ khác và không đếm xỉa đến những quyền lợi chơn chánh khác. Một người tầm thường, ít tiến hóa, lạm dụng sự ngu dốt và sự yếu đuối của kẻ khác để thu được một ít lợi lộc về tiền bạc hay để thỏa mãn một tham vọng cá nhân, tức là đang đi vào con đường nguy hiểm; nếu khi những quyền năng tiềm tàng của y phát triển mà y theo chúng nó thì y có thể thành ra kẻ Bàng Môn Tà Ðạo.

Chánh Ðạo là việc dùng những quyền năng nói trên nhưng để phụng sự nhân loại; trong khi phụng sự, con người sử dụng quyền năng này luôn luôn sẵn sàng hy sinh mọi tiện nghi, mọi tham vọng cá nhân mình để làm việc hữu ích cho nhân loại. Kẻ phụng sự phải dứt tuyệt những thú vui giác quan, y còn phải từ bỏ mọi sự tôn kính chánh đáng mà cá nhân y có quyền hưởng thụ nếu y thấy rằng sự hy sinh như thế có thể giúp đỡ đồng loại trên con đường dài thăm thẳm nó dẫn loài người đến chỗ Toàn Thiện.

Tà Ðạo là sử dụng những quyền năng cố hữu của chúng ta, nhờ những lễ nghi cúng bái trợ lực, để tạo thành những hình hài, những đoàn thể, những tổ chức, những trung tâm để cho đời sống biểu hiện ra. Ðó là sự phát biểu một hình thức, dù hình thức này thuộc về vật chất như ở trường hợp các giác quan tác động hay là sự thành lập những tổ chức dùng làm vận cụ cho một lý tưởng tôn giáo, khoa học, chính trị, mỹ thuật hay bất cứ một quan niệm nào khác cần phải có một hình thức tổ chức mới biểu lộ ra được. Ðó là sự tạo lập những hình thức và nhiệm vụ của nó không phải là để lo cho đời sống và bản tính của một lý tưởng, mà là sinh ra hình thức cần thiết để cho nó phát biểu.

Chánh Ðạo là dùng những quyền năng cố hữu của bản chất con người để vượt qua những hạn định của hình thức và để giải thoát tâm hồn khỏi những dây trói buộc của những cảm giác, những sự tưởng tượng, chúng có xu hướng buộc con người vào những trạng huống chóng phai tàn của đời sống. Ðó là sự phục vụ cái phần bất tử của bản thể con người kèm theo sự dứt bỏ những hình thức vô thường nhất thời, sự bóp nghẹt những sự quyến rủ và lừa gạt, phỉnh phờ của chúng.

Thuật pháp cao siêu là dùng có ý thức những quyền năng và mãnh lực tiềm tàng được phát triển ở nội tâm ta. Ðể phát biểu, nó không cần sự phù trợ của lễ nghi cúng bái của những tổ chức tôn giáo. Nó vun trồng một ý chí thiết thực và do sự cố gắng định trí, nó khiến con người có thể thành một kẻ sáng tạo những giá trị mới mẻ, một trung tâm mãnh liệt, ban rải những tư tưởng, những sự cảm xúc và từ điện.

Thuật pháp thấp kém là dùng những phương tiện phụ thuộc để thỏa mãn những dục vọng và những tham vọng của con người, và để cho những quan niệm trí thức của y được vững chãi và cụ thể hóa. Nó không dự phần vào việc làm phát triển tinh thần, mà lại thêm sức cho những khía cạnh cảm xúc và từ điện của con người y. Tất cả những thần chú phù phép, những sự chiêu hồn, cầu đảo và cả đến thuật dùng những chân ngôn, dùng nhang, dùng màu sắc và cách truyền từ khí cho thực phẩm, cho các hình nhơn và cho mọi đồ vật hữu hình đều thuộc về phạm vi thuật pháp thấp kém. Thầy phù thủy còn thấp thỏi biết cách dùng những từ điện lực của y và có thể làm tăng hay giảm sinh khí của những người xung quanh theo ý y muốn. Nhưng hành động như vậy sẽ có những trách nhiệm nặng nề đến nỗi không một vị môn đồ nào thật chơn chánh mà lại liều lĩnh như thế. Những luật sư cãi trước bồi thẩm đoàn, những giám đốc công ty nặc danh, những lãnh tụ các nghiệp đoàn, những người cuồng tín sốt sắng trong những buổi nhóm họp tôn giáo, thường dùng một cách vô tâm những từ điện lực này; họ thành công trên đường đời bằng cách đạt được một kết quả nhất thời làm thiệt thòi những người xung quanh họ. Ai hành động như vậy là tạo sự nguy hiểm cho chính mình, và những nhà huyền bí học đều thận trọng tránh xa những cách đó. Cũng vì vậy mà khoa thôi miên, khoa chữa bệnh bằng cách truyền sinh lực cùng bất cứ phương pháp nào chế ngự người thuộc hạng thụ động, thực hành ở cõi trần hay ở cõi Trung giới đều bị cấm ngặt trong những nhóm người luyện đạo A ri den (Aryens).

Chúng tôi phải định nghĩa nữa, xin đọc giả tha lỗi.

Ðức Bàn Cổ [1] của nhân loại là cái giới hạn trong nội tâm của vũ trụ thức bao gồm mọi ý nghĩ và quan niệm liên quan đến con người và đến sự tiến hóa qua mọi thời đại, từ khi còn ở trạng thái cổ lỗ ban sơ hay ấu trĩ cho đến lúc được phát triển hoàn toàn tới khi hết hẳn một chu kỳ trọn vẹn của dòng tiến hóa của nhân loại.

[1] Ðức Bàn Cổ là Ðấng Chí Tôn coi sóc sự sinh hóa của một giống dân. Ðịnh nghĩa như trên đây rất khó cho người mới học đạo. Xin xem quyển «Ðời Sống Huyền Bí của Thái Dương Hệ» của tôi soạn ra. (Lời dịch giả)

Nhân loại gồm bảy giống dân chánh; mỗi giống dân chánh chia làm bảy giống dân phụ; mỗi giống dân phụ có một nhiệm vụ rõ rệt. Trong 49 nhánh dân phụ này, mỗi nhánh tạo tác những kiểu mẫu người riêng biệt, huấn luyện và dạy bảo dân mình một cách đặc biệt.

Nhiệm vụ của ba giống dân chánh đầu tiên đã xong rồi, và chúng ta không cần phải nói đến họ trong cuốn sách này nữa.

Tuy nhiên, còn 14 giống dân phụ [2] cần phải quan sát. Những nhu cầu của những người kiểu mẫu riêng biệt này của nhân loại cần phải được tất cả các nhà huyền bí học khảo sát; mấy vị này trong trung tâm Hội Thông Thiên Học, tìm cách phụng sự lý tưởng Huynh Ðệ Ðại Ðồng mà không hề phân biệt nòi giống, tôn giáo, nam nữ, giai cấp hay màu da.

[2] 14 giống dân phụ này là 7 giống dân phụ của giống dân chánh thứ tư là giống Át Lăn (Atlante), tổ tiên giống Da vàng và giống Da đỏ hiện giờ, và 7 giống dân phụ của giống dân chánh thứ năm là giống A ­ri den (Aryens) tổ tiên của giống Da trắng hiện kim. Giống dân phụ thứ sáu của giống dân Chánh thứ năm đã ra đời, song chưa đủ số để làm một nước. Những người da trắng như Mỹ, Anh, Nga thuộc về giống dân phụ thứ năm của giống dân Chánh thứ năm. (Lời dịch giả)

Quần Tiên Hội do những vị Phụng Sự Nhân Loại họp thành, không ai có thể là nhân viên Quần Tiên Hội nếu không hiến dâng đời mình để phụng sự loài người. Mọi nhân viên đều thệ nguyện giúp đỡ nhân loại trong cuộc hành trình xa xôi và dạy dỗ con người, trải qua các giống dân, về những điều cần biết ở mỗi chặng liên tiếp của con đường tiến hóa. Kẻ ít tiến hóa nhất của nhân loại cũng là kẻ đáng cho ta quan tâm đến, và những nhu cầu của y cũng phải được những người bạn chơn chánh của giống người chú ý tới. Ðời sống nhân loại tiến hóa qua mười bốn nhánh dân phụ [3], mỗi nhánh dân phụ lại chia làm bảy tiểu chi hay là Họ. Quần Tiên Hội cũng chia ra những khu vực tương đương như vậy. Mỗi Họ trong các nhánh dân phụ được coi sóc và dìu dắt bởi một nhóm người phụng sự có nhiệm vụ che chở và soi sáng cho cái phần nhân loại ấy.

[3] Câu này chỉ dùng với chu kỳ tiến hóa mà thôi. Nhân loại phải tiến hóa xuyên qua hai giống dân Chánh nữa là giống dân Chánh thứ sáu và giống dân Chánh thứ bảy, tức là 14 giống dân phụ nữa, trước khi bỏ bầu trái đất này. (Xin xem quyển «Ðời Sống Huyền Bí của Thái Dương Hệ». (Lời dịch giả)

Như thế, những phương pháp dạy dỗ và cái tính chất các bài phải học rất khác nhau. Những lý tưởng đều khác biệt nhưng tất cả đều cần thiết cho đời sống nhân loại đang tiến hóa. Sự minh triết là sự biết dùng học thức một cách đúng đắn. Phải thâu thập kiến thức rồi tiêu hóa nó, đồng hóa với nó, sau phải dùng kiến thức ấy mà phụng sự nhân loại. Khi mà một người đã hiểu một lý tưởng cao cả hơn và hiểu một quan niệm về thế gian thích hợp với những hình thức của sự sống mà nhân loại phải đạt tới để tiến hóa lên một bước nữa, thì người ấy như đem rọi vào đời sống của y một hình ảnh của cái lý tưởng mà y đang tượng trưng, bởi vì tất cả những gì mà người ta gieo mầm trong tâm và trí con người đều đơm bông kết trái dưới hình thức của sự hành động. Những người ấy là những vị Bồ Tát, hay là sự hiện thân của Bát Nhã, hay là Minh Triết, và ở mỗi Họ khác nhau trong những nhánh dân phụ của những giống dân chánh, thỉnh thoảng người ta thấy những vị Bồ Tát ra đời. Ðối với con cháu loài người, các Ngài là những kiểu mẫu.

«Những người ích kỷ, vô lương tâm thường tụ họp xung quanh các Ngài mà tìm cách ngăn cản các Ngài hành động. Họ dùng những phương pháp khác nhau. Có khi họ dạy những huynh đệ họ, những kẻ ít có bản ngã vững chắc, rằng Ðức Bồ Tát cao thượng quá, không thể làm gương cho kẻ tầm thường được, hoặc họ làm biến đổi Ngài thành một vị Thần Linh, một vị Thượng Ðế phải thờ phụng; như thế họ làm cho Ðức Bồ Tát tách xa, rời khỏi đời sống thực tế, xa cách những ai cần phải nghe lời Ngài dạy bảo; hay là họ giết Ngài đi, xuyên tạc, phá hoại giáo lý của Ngài, buộc cho Ngài lời nói làm lợi lộc cho những mục đích ích kỷ của họ; ý nghĩa những lời nói xuyên tạc này hoàn toàn trái ngược hẳn với nhiệm vụ và lý tưởng của Ngài.

«Một trong những nhiệm vụ của các nhân viên Quần Tiên Hội là che chở cho chân lý thoát khỏi tay các tăng lữ của những tôn giáo công truyền, những kẻ tàn bạo ấy giống như bạo Chúa “Hérode” ngày xưa, lúc Ðức Gia Tô giáng sinh, đã cho rượt đuổi và giết chết các hài nhi. Nhờ vậy, lý tưởng của Ðức Bồ Tát mới được giữ gìn để truyền cho đời sau, mặc dầu có những sự công kích của đám tăng lữ ích kỷ. Khi thấy Chân Lý thoát khỏi bàn tay tham lam của họ, bọn này, liền xây dựng những nhà thờ, đền, chùa, giống như những con nhện giăng tơ để mà hút máu lũ con mồi, mới đây là những huynh đệ của họ không ích kỷ bằng họ; có lẽ những huynh đệ này rất muốn nếm mật ngọt của Chân lý mà Ðức Bồ Tát tượng trưng như vậy.

«Chỉ cần một hay hai định nghĩa nữa sẽ xong mục “Vào Ðề” này».

Một nhà huyền bí học có thể là một sinh viên học hỏi những khoa học huyền bí hoặc là một người có phép thuật sử dụng trong những cảnh giới khách quan và chủ quan, sự hiểu biết của y về những năng lực tiềm tàng của con người và thiên nhiên.

Sinh viên khảo cứu về huyền bí học có thể ích kỷ hay vô tư lợi. Y có thể tìm cách phát triển cá nhân y do sự luyện tập tự chủ gắt gao trong tất cả những thành phần của linh hồn y, hay y có thể mong muốn cho cõi Thiên Ðàng mở cửa trong lòng tất cả mọi người và tìm cách mở cửa cõi Thiên Ðàng ở chính bản thân y nhờ sống một cuộc đời luôn luôn giúp đỡ kẻ khác, một cuộc đời cảm hứng bởi những tư tưởng từ bi bác ái. Ở trường hợp sau đây, chẳng bao lâu, y sẽ nhận thấy rằng tất cả của cải và uy quyền của thế gian này sẽ được mang đến cho y, đây là sự ban thưởng thêm cho y, dù y không còn lưu tâm đến sự đó một cách đặc biệt cũng vậy. Như thế, người ta có thể chia sinh viên huyền bí học ra làm hai hạng, một hạng mong mỏi có những kiến thức và một hạng muốn thành những người hữu dụng; hai hạng này, càng ngày càng đi tới thì sự tiến bộ và sự phát triển của họ càng khác xa nhau. Cuốn sách này viết ra đây không phải để cho những người ham có những kiến thức đâu và nếu đọc giả, thuộc về hạng này thì tốt hơn hết hãy dẹp cuốn sách này lại một bên. Nhưng nếu họ muốn giúp đỡ đồng loại đang chiến đấu trong sự dốt nát và sự hỗn độn, nếu họ muốn phát triển những thần lực, và những khả năng của linh hồn để đạt được mục đích giúp đời ấy, thì cuốn sách này có giúp ích cho họ vậy.

Cuốn sách này cũng như một bản toát yếu những qui luật mà ai muốn làm kẻ phụng sự nhân loại phải tuân theo; người ta ví nhân loại như trẻ mồ côi không người săn sóc, những người phụng sự này muốn phát triển linh hồn để có thể thành những dụng cụ hữu ích mà Ðức Thượng Ðế có thể sử dụng để giúp con người tiến hóa. Những qui luật này, nếu được tuân theo, sẽ dẫn thí sinh đến địa vị nhân viên Quần Tiên Hội và sẽ làm cho họ được liên lạc trực tiếp với những vị Phụng Sự, các Ngài đã từ nhiều thế kỷ hiến dâng cả thể xác lẫn tâm hồn để mưu hạnh phúc cho nhân loại. Những qui luật này được lập thành để dành cho những ai muốn gặp và muốn biết các Chơn Sư Minh Triết, các Ngài đang coi sóc và che chở nhân loại trên con đường tiến hóa. Có một nhóm gồm những người phụng sự hiến mình để phục vụ Ðời Sống Cao Cả, khi Ðời Sống này biểu lộ qua những con người của các quốc gia và các xứ sở. Ðời sống cao cả này chỉ là một mà thôi. Ðó là cái ánh sáng mà mỗi người đều mang ở trong tâm mình. Những Ðấng Cứu Thế là những nhân viên của Quần Tiên Hội, thỉnh thoảng xuất hiện trong đời sống công cộng của nhân loại để tiết lộ con đường chánh đạo và chỉ con đường mà những ai theo nó thì hết mê muội và hết điên cuồng. Con đường này có thể dẫn con người đến cái ánh sáng quang minh của trí giác, ánh sáng này giúp y thoát ra khỏi những hạn định của cái chất hữu hoại, chết chóc đặng về ở một cách có ý thức trong cõi trường sinh bất tử.

 
______________________________________________________




Comments

Popular posts from this blog

08 - Qui luật VI: Các bạn hãy phụng sự lý tưởng tùy theo tính chất và trình độ mình

10 - Qui luật VIII: Các bạn hãy chăm chỉ nhận xét đời sống ở chung quanh có liên quan đến mình và hãy cố gắng hiểu sự huyền diệu của nó

21 - Qui luật XIX: Các bạn hãy tự do