04 - Qui luật I: «Bước đầu tiên là sống để phụng sự và lo điều hữu ích cho nhân loại»

Qui luật I

«Bước đầu tiên là sống để phụng sự
và lo điều hữu ích cho nhân loại
»
.

H. P. Blavatsky (Tiếng Nói Vô Thinh).

Bất cứ lúc nào, dù ở trường hợp nào, hay ở trạng thái tinh thần nào, người ta cũng có thể thực hiện cái bước đầu tiên này. Chỉ một điều kiện duy nhất là cần mà thôi: cái lý tưởng phụng sự nhân loại phải thật tha thiết trong lòng người nam hay nữ muốn hy sinh đời mình, người ấy phải có một ý muốn thành thật phục vụ đồng loại. Không cần người ấy tin tưởng nơi Thượng Ðế, nơi các Chân Sư, nơi một Ðấng Sáng Tạo Tối Cao hay nơi nhiều Ðấng Cao Cả xây dựng thế gian. Y có thể là người duy vật, người vô thần, không tin có Thượng Ðế, hay y là kẻ chủ trương rằng con người không sao biết được tuyệt đối. Y có thể vô tôn giáo hay không công nhận những lễ nghi xử thế của xã hội. Y có thể xem tất cả những tôn giáo như thuộc về tánh nhẹ dạ dễ tin và thuộc về sự mê tín dị đoan. Tuy nhiên, y muốn giúp nhân loại tiến hóa tới một hoàn cảnh sung sướng hơn, cao thượng hơn, thông minh hơn, độc lập hơn thì y có thể hiến mình để thực hiện cái lý tưởng về sự tiến hóa của nhân loại, và làm như vậy, y sẽ bước một bước đầu tiên dẫn dắt đến Minh Triết. Y phải sẵn sàng làm việc thiện cho nhân loại theo quan niệm y và hy sinh một phần tham vọng cùng thú vui riêng tư. Cái bước đầu tiên có sự đặc biệt là nó trường tồn, nghĩa là trong khi con người bước những bước kế tiếp thì sự kích thích đầu tiên vẫn còn đi theo mãi.

Một sự hiến mình giản dị, thực hiện trong sự tịch mịch và sâu kín trong chính tâm y sẽ hữu ích cho kẻ chí nguyện, y cam kết trước cái phần cao cả nhất, cao thượng nhất của bản thể y là y sẽ hiến dâng đời mình để ủng hộ Bản thể đó khi nó hoạt động bên ngoài. Muốn như vậy y không cần tự coi mình như là một trạng thái của Tâm Thức Vũ Trụ, của Thượng Ðế, Ðấng Ban Phát Sự Sống, Ngài thường ngự trị trong mọi tư tưởng, mọi hành động và mọi hình thức của Vũ Trụ. Cái sự hiểu biết ấy sẽ đến sau. Sự quan trọng của sự hiến dâng là nó in vào những sinh lực của con người một xu hướng mạnh mẽ trong sự kiên tâm trên con đường chân chánh. Cũng trong khi đó, cái mục đích lý tưởng của đời sống được vững chắc và rõ ràng hơn. Mỗi người có thể đọc lời hiến dâng sau đây, sửa đổi cho hợp với tính nết riêng của mình hoặc ưa chuộng mỹ thuật, hoặc sùng tín, hoặc điềm tĩnh, hoặc thực tế. Trong khi cam đoan thệ nguyện, người ta có thể đứng ngồi thế nào cũng được, có thể vừa ước nguyện vừa cười [4] và có thể vừa ước nguyện vừa thề thốt 4 để thắng lòng nhút nhát của mình, hay cũng có thể vừa ước nguyện vừa quì gối một cách kính cẩn bên cạnh giường mình. Ðó là những chi tiết không quan hệ, không ảnh hưởng chút nào đến những kết quả, chỉ cần người chí nguyện thành thực ở điều y nói thôi.

[4] Chúng tôi không đồng ý với tác giả về hai điểm này. (Lời dịch giả - Bạch Liên)

HIẾN DÂNG

«Hôm nay, ở đây, với tất cả những sở đoản và sở trường của tôi, với tất cả những tư tưởng, cảm xúc, tri giác, sở nguyện, ý chí, hành động của tôi, tôi xin hiến mình để phụng sự đồng loại. Cầu xin từ lúc này, cái lý tưởng ở trên chỉ đường cho tôi, dìu dắt tôi, huấn luyện và giáo dục tôi, cầu xin cho tất cả sức lực, tất cả những năng lực, năng khiếu tiềm tàng của tôi có thể phát triển để hướng cả về mục đích ấy. Tôi muốn tự hiến dâng trọn vẹn để phục vụ hạnh phúc cho nhân loại».

Nếu bạn là một người tín đồ, bạn có thể hình dung lý tưởng bạn dưới hình thức Ðức Thượng Ðế ban phát Sự Sống, Ðức Chúa Tuyệt Ðối đáng kính mến, nhưng làm như vậy, bạn phải tránh đừng gán cho Ngài một hình hài bề ngoài. Bạn đừng biến Ngài «thành một nhân vật cụ thể». Chỉ ở trong tôn giáo công truyền họ làm như vậy, còn một sinh viên học hỏi những bí giáo huyền diệu thì không nên làm thế. Nếu bạn làm thế thì thật là lầm lỗi lớn lắm. Bạn hãy cố gắng xây dựng lý tưởng trong tâm bạn, còn tất cả những sự tượng hình người cho lý tưởng ấy, tất cả những sự biểu lộ ra ngoài của lý tưởng đó sẽ đem những hình dáng gạt gẫm thế cho Thực Tế. Ðối với những đám đông còn dốt nát, thì thờ phượng những hình ảnh bề ngoài của Ðời Sống Ðại Ðồng mới có đôi chút ích lợi, nhưng như bà H. P. Blavatsky đã nói (trang 300, cuốn I Giáo Lý Bí Truyền):

«Nhà huyền bí học nào cũng là một người không thờ thần tượng, kể luôn cả những vị thần được nhân “cách hóa”.

«Giáo lý huyền bí” nhận có Thượng Ðế, Ðấng tạo lập thế gian, nhưng vị sáng tạo này không có tính cách cá nhân. Vì vậy kể cả những vị Thiên Ðế (Thượng Ðế sáng tạo), “kể cả những vị Sáng Tạo Cao Cả, không vị nào có thể là một đối tượng để được thờ cúng theo nghi lễ tôn giáo, được sùng bái như thần minh. Tất cả các Ngài đều có quyền được Nhân Loại thành kính, biết ơn, và mỗi con người phải luôn luôn cố gắng giúp sự tiến hóa thiêng liêng của những ý niệm bằng cách triệt để áp dụng mọi khả năng của mình để thành một cộng tác viên của Tạo vật trong cái nhiệm vụ vô cùng lớn lao của Nó. Riêng chỉ có nguyên lý Karana bất khả tư nghị, cái căn vô căn của tất cả những căn là được có thánh điện và bàn thờ trong gian phòng thiêng liêng và tinh khiết của trái tim ta mà thôi” nó ngự đó trông không thấy, mó không được, không thể diễn tả được, trừ phi bằng tiếng nói vô thinh của cái lương tri thiêng liêng của chúng ta. Những ai quì lạy Nguyên lý đó thì phải quì lạy trong sự tịch mịch và trong sự vắng vẻ, thánh thiện của tâm hồn mình, họ lấy Chơn Thần của họ làm kẻ môi giới duy nhất, đối với Linh khí bao bọc Vũ trụ càn khôn và làm vị tăng sĩ duy nhất chứng giám những hành động tốt đẹp của mình.»

Các bạn hãy nhớ rằng mình là kẻ phụng sự. Từ nay, mong sao những tư tưởng này bao giờ cũng là ngọn đuốc ở nơi các bạn, chiếu sáng tất cả. Tâm thức của các bạn. Các bạn hãy nhìn chung quanh mình và các bạn sẽ nhận thấy hai hạng sinh viên huyền bí học. Hạng thứ nhất rán phát triển nơi mình những năng khiếu khiến họ đi đến mức độ cao nhất của sự tiến triển cá nhân. Hạng sau, trong đó có các bạn – có thể gọi là «Những Người Phụng Sự». Cả hai hạng này đều chính đáng. Sinh viên thuộc về hạng thứ nhất ngoại trừ khi nào y cố tâm ngăn cản triều lưu của sự tiến hóa bình thường – như vậy y sẽ trở thành một nhà Bàng Môn Tà Ðạo – thì y phát triển quyền năng của ý thức và tổng hợp, y có khuynh hướng, dùng quyền năng và năng khiếu của y được tăng gia để phụng sự đồng loại do theo học thức và trực giác của y. Ngoài ra với tư cách người phụng sự, các bạn càng thành thực và hăng hái trong ý muốn giúp đỡ nhân loại thì các bạn càng khao khát sự hiểu biết và sẽ sẵn sàng theo đuổi những sự học hỏi khó khăn nhất, nếu cần, với mục đích là có thể làm việc một cách hay hơn hết.

Một nhà hiền triết đã nói rằng hai con đường đều dẫn đến một mục đích tuy lúc khởi đầu, chúng hình như theo chiều hướng khác nhau. Mỗi con đường đều có những sự khó khăn và những trở ngại riêng biệt cần phải vượt qua. Khi theo con đường phát triển cá nhân, sinh viên sẽ gặp những trở lực sau đây: tật kiêu ngạo, khoe khoang, những sự cám dỗ của lễ nghi bề ngoài, vẻ hoa mỹ của những đoàn thể tăng lữ khác nhau, những môn phái tôn giáo và những hội huynh đệ, những quan niệm theo tập tục của những nhóm bằng hữu khác nhau, sự dễ dàng đi trên địa vị, chức tước, danh vọng ao ước, những sự thành công thế tục địa vị xã hội, sự giàu có, những lời hoan hô của công chúng, sự đặc ân và sự tán thành của những kẻ có thế lực ở cõi đời này.

Những sự quyến rủ đó làm cho người chí nguyện quên những nhiệm vụ của mình, có khi chúng làm chậm trễ trong nhiều kiếp sự tiến bộ thiệt thọ và sự hoàn thành những nhiệm vụ của y.

Về phần các bạn, các bạn cũng sẽ có những sự khó khăn riêng. Lòng kiêu mạn và tật khoe khoang là chung cho cả hai con đường. Sự cần được người ta biết giá trị mình nếu rất chính đáng đối với một người theo con đường phát triển cá nhân, thì bị cấm ngặt đối với các bạn. Mỗi ngày, các bạn phải nghe theo những tiếng gọi của lý tưởng, không được lo nghĩ đến sự thưởng hay sự phạt. Khi cần phải làm cái gì mà các bạn cho là điều thiện, thì các bạn phải lãnh đạm đối với lời khen ngợi cũng như đối với lời chỉ trích. Các bạn hãy luôn luôn sẵn sàng vâng theo lời của Bản tính cao thượng của mình và tiếng nói vô thinh trong lòng mình. Các bạn đừng lo đến phát triển cá nhân và cũng đừng nghĩ đến nó nhiều quá. Các bạn hãy quên ngay nó đi được chừng nào hay chừng nấy, để nghĩ đến hạnh phúc của những kẻ xung quanh. Hãy trao dồi cái tính khiêm nhượng thật sự và dù các bạn được gọi đi làm việc ở nơi nào đi nữa; các bạn sẽ có thể sẽ làm đầy đủ nhiệm vụ mình và sẽ gặp rất ít trở ngại cần phải chiến thắng hơn là nếu các bạn nghe theo ý muốn của những sự biểu lộ cá nhân.

Cõi Thiên Ðàng là một trạng thái của nội tâm và các bạn phải cố gắng làm cho nó phát sinh trong đời sống của những người ở chung quanh mình. Không phải tìm kiếm trạng thái này ở phía trong cá nhân mình mà các bạn gặp nó đâu, nhưng chính phải hiểu rằng nó là gia sản của tất cả mọi người nam nữ và phải làm việc để chuẩn bị cho trạng thái đó biểu lộ trong đời sống của họ. Bởi vì trạng thái này có ở trong tất cả mọi sinh vật, cho nên nó cũng có ở trong các bạn nữa. Trước hết các bạn hãy tìm sự tiết lộ cõi Thiên Ðàng ở nơi những người khác rồi các bạn sẽ tìm thấy nó ở nơi các bạn vậy. 

______________________________________________________




Comments

Popular posts from this blog

21 - Qui luật XIX: Các bạn hãy tự do

nbacd-18 - Vài Loại Nghiệp Quả Gia Đình

08 - Qui luật VI: Các bạn hãy phụng sự lý tưởng tùy theo tính chất và trình độ mình