10 - Qui luật VIII: Các bạn hãy chăm chỉ nhận xét đời sống ở chung quanh có liên quan đến mình và hãy cố gắng hiểu sự huyền diệu của nó
Qui luật VIII
Các
bạn hãy chăm chỉ nhận xét
đời sống ở chung quanh có liên quan đến mình
và hãy cố gắng
hiểu sự huyền diệu của nó.
Khi bạn tiến tới qui luật này, bạn hãy trịnh
trọng đi sâu vào đời sống huyền bí. Bây giờ, bạn phải phát triển hai
khía cạnh của sự quan sát thời gian. Bạn phải tập có thói quen xem
những việc xảy ra hàng ngày như là phần tử của một thời đại gồm
có hàng ngàn năm trôi qua của dòng tiến hóa của nhân loại. Bạn hãy
cố gắng xét nghĩ đời sống theo quan niệm một giai đoạn kéo dài hàng
chục ngàn năm và đồng thời cũng coi nó theo quan niệm của công việc
hàng ngày của bạn, mà không để cho cái viễn ảnh rộng lớn của mình
làm thiệt hại đến sự làm tròn bổn phận cấp thời. Trong tầm mắt mở
rộng, bạn phải thoát ra khỏi những sự cảm xúc cá nhân, những thành
kiến, những sự ưa thích riêng. Tuy nhiên, nhà huyền bí học là một
người hoạt động. Bạn sẽ sống giữa loài người và bạn sẽ có vẻ làm
việc hăng hái như những ai hãy còn có một quan niệm bị hạn chế. Bạn
phải xem sự tàn phá hay sự tạo lập một quốc gia, mặc dầu quốc gia
ấy ra sao, hay là những hình thức bề ngoài của một tôn giáo, dù tôn
giáo ấy thế nào, như là một phần tử của một cơ tiến hóa đã được
tính toán suy gẫm kỹ càng và hoàn toàn không có một khuyết điểm
nào cả.
Bạn cũng sẽ biết được rằng những nỗi băn
khoăn của tinh thần rất thường có trong đời sống hằng ngày, khêu gợi
nơi ta cái ngọn lửa bay lên và thúc đẩy nhân loại tiến đến những
trình độ cao siêu. Không một đám mây nào làm lu mờ được cái hình ảnh
vinh quang của sự Toàn Thiện của Thiên Cơ. Với cặp mắt bình tĩnh của
Chơn Thần ngự nơi bạn, bạn phải nhìn ngắm những thế kỷ và cả hàng
vạn năm nữa, và nếu bạn có một đức tin đầy đủ thì trực giác bạn
sẽ tiết lộ cho bạn thấy cái ý nghĩa thực sự của những phong trào
chiến tranh và hòa bình, sự thạnh suy bỉ thới của những quốc gia,
những giai cấp và những quan niệm lý tưởng mà chúng tượng trưng. Ðã
có một sự hiểu biết như thế, lẽ cố nhiên, bạn không thể có được
những thành kiến, bởi vì bạn đứng về phương diện vĩnh cữu trường
tồn. Bạn phải thương yêu tất cả những con cháu loài người, dù họ ở
quốc gia nào, tính khí nào, dù họ nhân đức hay ác độc, cao sang hay
nghèo nàn, quí phái hay bình dân, có học thức hay tầm thường, giỏi chữ
nghĩa hay ngu si, trí hóa rộng rãi hay eo hẹp, những kẻ vì cầu cạnh
hay vì may mắn mà được giàu sang và những kẻ tử vì đạo, để cho mọi
người đều được hưởng hạnh phúc.
Bây giờ, bạn thấy rằng mỗi hạng người đều có
vai trò phải đóng, và người ta có thể học những bài học cần thiết
ở mỗi giai đoạn tiến hóa. Trong nhiều lượt đầu thai, mỗi người phát
triển trước hết cái cảm giác mình là một người riêng biệt, rồi đến
phát triển cái năng khiếu sử dụng cái ý thức cá nhân ấy để làm
đầy đủ cái nhiệm vụ của nhân loại trong thiên cơ.
Xét rằng những điều vừa kể ở trên đây là xác
thực, bạn không có quyền ở trong một trạng thái lười biếng bất động
mà nói rằng: «Mọi việc đều tốt
lành! Mọi việc đều tốt lành! Chủ nhân cái vườn này, tức là thế
giới, rất minh triết. Ngài không cần đến sự giúp đỡ của tôi. Tôi
không có một nhiệm vụ nào trong những công tác nặng nhọc của nhân
loại». Nếu bạn hành đông như thế, sự hiểu biết của bạn về những
chuyện cao siêu sẽ bị tiêu tan đi một cách nhanh chóng, đời sống của
bạn sẽ trở thành vô nghĩa và có lẽ một sự hoài nghi trơ trẽn sẽ
thay thế cho cái quan niệm cao thượng xưa kia của bạn.
Bạn là một cây nhỏ trong cái vườn cây rộng
lớn mênh mông, và nếu bạn từ khước cái vai trò mà bạn phải đóng
với những bông hoa khác, bạn sẽ bị khô héo mau lẹ và vẻ đẹp của
bạn sẽ tàn phai. Luôn luôn, bạn sẽ phải lo giải quyết những việc nhỏ
nhặt và bày tỏ thái độ rõ ràng trong những cuộc tranh biện không
quan hệ: «Bạn phải làm việc như
những kẻ có tham vọng làm việc vậy» (Ánh Sáng trên Ðường Ðạo).
Và tuy vậy, bạn phải giữ cho thật cách biệt hai cái trạng thái của
yếu tố thời gian cái nhãn trường tổng quát rộng lớn và sự thấy
những sự nhu cầu khẩn cấp hiện thời.
Cổ nhân tượng trưng Hermès bằng một bức tượng
có hai thân hình; một thiếu nhi và một ông lão. Như vậy có nghĩa là
trong sự giản dị và trong đức tin của nó, Minh Triết rất ngây thơ,
nhưng do những sự kinh nghiệm chồng chất từ vô số thời đại, thì Minh
Triết rất cổ kính. Cùng một lúc, bức tượng này chỉ dẫn hai quan
niệm cuộc đời mà tôi nói trước đây.
Vậy thì trong qui luật VIII, người ta bảo bạn
thận trọng sự nhận xét đời sống chung quanh bạn.
Như thế có nghĩa là bạn phải nhận xét đời
sống mà không kiêu mạn, không khoe khoang, không tham vọng cá nhân, không
phô trương, không giả bộ khiêm nhượng, hay không có một dấu vết nào
của tư tưởng cá nhân riêng rẽ. Bây giờ bạn là một huynh đệ trẻ trung,
đã tự hiến dâng và được thâu nhận và với danh nghĩa ấy, bạn vẫn là
một với đời sống của cả nhân loại. Nếu bạn tiếp xúc với Quần Tiên
Hội, bạn phải tránh mọi tư tưởng chia rẽ.
Bạn sẽ bị thử thách luôn luôn về qui luật
này, trong khi bạn dự phần vào đời sống xã hội ở xung quanh bạn.
Bạn đang sống trong đời mạt pháp Ka li du ga (Kali Yuga), và cái nét
đặc biệt của thời đại này là sự đấu tranh gay gắt quyết liệt ở
cõi đời vật chất. Không những chỉ có những sự xung đột giữa những
giống dân về lý tưởng của họ mà thôi, điều này dẫn dắt đến những
trận đại chiến, nhưng còn có những sự xung đột cả ở trong tiểu kiếp
của đại kiếp Ka li du ga nữa. Ở trong mỗi quốc gia, có những sự bất
hòa luôn luôn tăng trưởng giữa tư bản và lao động, giữa quân chủ chuyên
chế và dân chủ, giữa những thanh niên và các bô lão, giữa nam giới
và nữ giới, giữa sự vô trật tự và sự tôn trọng pháp luật.
Trong phạm vi tôn giáo cũng vậy, những sự bất
đồng ý kiến ngự trị nơi đây, giữa những người theo tự do chủ nghĩa
và những người bảo thủ, giữa những kẻ tôn trọng hệ thống đẳng cấp
và những kẻ theo cá nhân chủ nghĩa, giữa những kẻ theo tôn giáo
chính tông và những kẻ theo tà thuyết dị đoan, giữa những kẻ thờ
thần minh được nhân cách hóa và những kẻ thờ Ðại đồng chủ nghĩa,
giữa những người theo hình thức chủ nghĩa và những người chủ trương
bài phá thánh tượng, giữa những người theo tín điều và những nhà
tự do tư tưởng.
Bạn hãy giải thoát khỏi mọi thành kiến và
bạn hãy nhận định rõ ràng: tất cả mọi hoạt động nói trên đều
thiêng liêng tốt lành. Chúng tượng trưng sự chiến đấu vô tận của
những vị địch thủ trong vũ trụ, đó là Brahma, Ðấng Sáng Tạo,
Vishnou, Ðấng Bảo Tồn và Shiva, Ðấng Phá Hủy. Muốn gìn giữ sự biểu
lộ, Ðời sống duy nhất của vũ trụ tự hiện ra dưới ba trạng thái.
Mỗi trạng thái này đều cần thiết cho hai trạng thái kia, và tất cả
ba trạng thái đều cần thiết cho sự tiến hóa của con người. Những vị
Chơn Sư và đệ tử của Quần Tiên Hội hoạt động trong ba cách đó.
Rồi người ta cũng hỏi bạn và bạn sẽ phải
lựa chọn tùy theo tính khí mình, bạn có thể giúp đỡ nhân loại một
cách đắc lực nhất trong hình thức của năng lực nào:
Những sự tương đồng về từ điện lực gây ra bởi
sự bạn ra đời trong một quốc gia riêng biệt, khiến bạn sẽ có xu
hướng ưu đãi quốc gia ấy và quyền lợi của nó hơn là quyền lợi của
toàn thể nhân loại. Lẽ cố nhiên có lòng ái quốc như vậy thì rất
hữu ích khi người ta ở trong giai đoạn tiến hóa trung bình. Ðiều này
hoàn toàn cần thiết cho sự phát triển cao cả và trọn vẹn của phàm
ngã. Ðó là nguồn gốc của những hành vi cao thượng, những sự hy sinh,
và nếu những nguyện vọng quốc gia đó thuộc về một loại cao thượng,
thì những nam và nữ công dân của quốc gia ấy sẽ do lòng yêu nước đó
mà được ban phước lành.
Trái lại, bạn đã tiến đến cái điểm tiến hóa
nơi đó mọi sự ràng buộc phải bị cắt đứt, và bạn phải thương yêu và
hiểu biết toàn thể nhân loại. Bạn phải làm việc cho cái lý tưởng
mà bạn cho là cao thượng và chơn chánh nhất, dù lý tưởng đó hiện ra
nơi nào.
Muốn phát triển cái năng lực tìm hạnh phúc
cho toàn thể nhân loại mà không để cho mình bị ảnh hưởng của những
sự ưa thích riêng tư về quốc gia, bạn phải đọc và học bộ «Giáo Lý Bí Truyền» (La Doctrine
Secrète) của H. P. Blavatsky. Hơn mọi cuốn sách nào khác viết bằng Anh
ngữ, bộ sách này sẽ khiến bạn thành một nhà tư tưởng có tầm mắt
rộng rãi bao quát cả thế giới và một nhà nhận xét sáng suốt về
đời sống nhân loại.
Bạn cũng sẽ có xu hướng dự vào những cuộc
tranh luận về tôn giáo của thời đại bạn. Tánh khí bạn sẽ thúc đẩy bạn
tha thiết với một hình thức tôn giáo riêng biệt và có những thành
kiến với những tín ngưỡng khác. Nếu bạn có bản tính của một nhà
tự do tư tưởng và nếu bạn nghĩ rằng cái tự do quyết định cá nhân
là cần thiết cho sự tiến hóa thực sự, thì lẽ dĩ nhiên bạn sẽ phản
đối mãnh liệt những tín điều và tín ngưỡng của khoa thần học, bạn
sẽ ghét lễ nghi và những sáo ngữ sùng bái, bạn sẽ xem giáo đoàn
tăng lữ, nhất là khi họ hợp tác với uy quyền thế gian, như một mối
nguy hại và sẽ xem thầy tu như những kẻ thù địch của đời sống tinh
thần của con người. Nếu bạn có bản tính bảo thủ, bạn sẽ xem đoàn
tăng lữ ấy như là nòng cốt chính để nâng đỡ đời sống tình cảm của
xã hội. Bạn sẽ xem nhân loại như một ấu nhi không thể tự cai quản
lấy mình và bao giờ cũng cần phải được ru ngủ bởi những chuyện
Thần Tiên. Bạn sẽ có thiện cảm với giáo đoàn tăng lữ khi họ lãnh
đạo quần chúng. Nếu họ dùng cái uy lực ấy để thực hiện những mục
đích chính trị, bạn sẽ không thấy gì là nguy hại hay là mâu thuẫn
với những quyền lợi cao cả của nhân loại. Bạn sẽ ủng hộ chính thể
hệ thống và lẽ cố nhiên bạn sẽ có ít cảm tình với những chế độ
dân chủ. Bạn sẽ xem chúng như đám bọt nước nổi lên trên mặt biển bị
xao động, biển người này do dân chúng vô học và không bị kiềm chế
tạo ra.
Ngoài ra bạn có thể là một người có lý
tưởng thần bí, hiến dâng hồn nhiên những làn sóng của sự hết lòng
sùng bái cho một cá nhân mà bạn xem như là một Ðấng Cứu Thế, bạn
tìm thấy sự an lạc trong sự sùng bái và thờ phụng vị này. Ở
trường hợp đó bạn sẽ có xu hướng tự để bị lôi cuốn trong một sự
quay cuồng của đảng phái và sự tin nhảm dị đoan vì một lý tưởng
được cá nhân hóa. Bạn sẽ yêu mến cái biểu tượng như thế và không
chắc bạn đã tìm hiểu cái ý nghĩa về triết học mà biểu tượng này
chứa đựng vì một sự phân biện, như vậy bạn sẽ phá hủy cái nguồn vui
và lòng thỏa mãn do sự thờ phượng một lý tưởng được nhân cách hóa
gây nên. Những ước vọng đạo đức của bạn sẽ được thỏa mãn khi bạn đã
tôn thờ Ðức Jésus, Ðức Shakyamuni, Ðức Krishna hay Ðức Maitreya. «Cái xu hướng thờ phượng những cá nhân
cũng là cái điểm đặc biệt của nhiều sinh viên, họ tưởng có thể đến
gần những Chơn Sư trong Quần Tiên Hội và được các Ngài rũ lòng thương
bằng cách quì lạy hay có những thái độ xu phụng đối với Ngài».
Nhưng một Chơn Sư Minh Triết không bao giờ ưa sự
nịnh bợ hay thích những kẻ thường tố cáo người khác. Nếu Ngài có
thể dung thứ cái điều mà có thể là một lý tưởng thực sự đối với
một vài người nam và nữ ít tiến hóa và ưa cảm xúc, thì như thế
cũng là nhiều lắm rồi. Sự ngu tín không phải là lòng sùng đạo chơn
chánh.
Qui tắc này viết cho người chí nguyện thực
sự, y phải vượt lên cao hơn ba hình thức của đời sống tôn giáo là tự
do tư tưởng, chánh thống bảo thủ và lý tưởng thần bí. Mỗi hình
thức này đều có lý do tồn tại của nó và làm một nhiệm vụ quan hệ
trong sự phát triển tinh thần của con người. Lẽ cố nhiên, bạn sẽ cần
phải làm việc trong phạm vi tôn giáo như bạn đã làm trong phạm vi
chính trị, nhưng khi ấy, bạn phải làm việc mà không có chút tư tưởng
tự cao tự đại, chia rẽ nào, Bạn phải hiểu rằng mọi lý tưởng đều
có thật và có thể là nguồn gốc của sự cao thượng, tuy rằng thật
ra, mỗi lý tưởng tự nó chẳng có gì cao thượng cả. Chỉ có lòng
thành thật duy nhất của kẻ nào mang lý tưởng đó mà hòa vào đời
sống của mình mới làm cho lý tưởng đó cao thượng mà thôi.
Bạn phải nhìn ngắm sự chiến đấu giữa tư bản
và lao động một cách không thiên vị và nhớ rằng sự ích kỷ của kẻ
nghèo, không bao giờ lại cao thượng hơn sự ích kỷ của người giàu, và
những Chơn Sư Minh Triết không bao giờ đánh giá một người tùy theo số
tiền bạc mà y có, hay tùy theo vai trò của y trong đời sống công cộng.
Các Chơn Sư phán xét giá trị một người tùy theo lối y cư xử với đồng
loại, mặc dầu địa vị xã hội của y ra sao, và tùy theo cách y làm đầy
đủ bổn phận do địa vị buộc y phải làm.
Khi xem xét đời sống nhân loại, bạn hãy nhớ
rằng, bất cứ lúc nào, chỉ duy có cái tinh thần nó làm linh động
tất cả mà thôi. Nghèo nàn về của cải ở thế gian này không phải là
một đức hạnh đâu, cũng như sự giàu có cũng không phải là một tật
xấu. Ðối với nhà huyền bí học, sự thanh bần là có tư tưởng «bất chiếm hữu», dứt bỏ, mặc dầu
địa vị giàu sang đến đâu, và cũng là sự hiểu biết rõ ràng rằng
tất cả những thứ gì mà bạn dường như đang cầm trong tay, đều thuộc
về toàn thể nhân loại và phải được dùng để phụng sự loài người.
Bạn sẽ nhìn những sự tranh đấu giữa nam giới
và nữ giới, giữa thanh niên và bô lão, giữa những nhà lý tưởng ưa
nhớ lại quá khứ và những nhà tiền phong của những thời đại vị lai,
với một cách vô tư.
Bạn hãy yêu mến họ tất cả và vun trồng lòng
thiện cảm của bạn đối với những lý tưởng riêng biệt của họ, phải
cố gắng mà hiểu thấu cái cách của mỗi người quan niệm đời sống.
Comments
Post a Comment