11 - Qui luật IX: Các bạn hãy lãnh đạm với những vật ở ngoại giới
Qui luật IX
Các
bạn hãy lãnh đạm với những vật ở ngoại giới.
Bạn hãy để ý rằng qui luật này không bắt bạn
phải phát triển nơi mình sự thù ghét những đồ vật ở ngoại giới. Nó
không cho là một đức tánh cái điều mà chúng ta ở Tây phương gọi là
tu khổ hạnh. Ðể tuân theo luật này, bạn phải phát triển nơi mình cái
năng khiếu hành động tùy theo sự đòi hỏi của bổn phận hằng ngày,
không nghĩ đến sự ban thưởng, không lùi bước trước những sự đau khổ,
chúng có thể là nghiệp quả của sự hành động của bạn. Luôn luôn
hành động theo cách này là đã phát triển sự lãnh đạm thực sự đối
với những đồ vật ở ngoại giới. Trong thế giới của sự kinh nghiệm
giác quan, những sự vui, những sự buồn là cần thiết. Trong kinh Gita,
người ta gọi chúng là những sự tiếp xúc của giác quan. Bởi vì vô
thường cho nên chúng tới rồi bỏ ra đi. Tự chúng, chúng không có tính
cách một đức hạnh hay một tật xấu. Con đường chơn chánh của người
đệ tử không phải là chọn cái vui này mà bỏ cái buồn kia, mà phải
chấp nhận cả hai thứ như bạn chấp nhận những hiện tượng khác của
thiên nhiên như mưa, nắng vân vân… . Khi bạn tiến đến được cái điểm nơi
đó bạn có thể sống thích hợp với lý tưởng mình và không bị những
thú vui hay những sự đau khổ ảnh hưởng đến thì lúc đó bạn đã làm
chủ được qui luật IX này rồi.
Tuy nhiên bạn phải nhận định kỹ càng rằng,
trong đời bạn, sống với tư cách người đệ tử, bạn sẽ không tự giải
thóat ra khỏi những nỗi vui buồn đâu. Bạn sẽ cảm thông cả vui lẫn
buồn, nhưng cái thái độ của bạn đối với những cảm xúc ấy khác
biệt hoàn toàn với thái độ người thường.
Bạn cũng nên biết rằng những sự vật ngoại
giới cũng có ở bốn cảnh giới của những trạng thái tâm thức bạn,
và vì vậy bạn phải lãnh đạm với nhiều sự vui buồn của đời sống,
dù ở trong những cảnh hồng trần thấp hay cao, ở cõi Dục vọng (Trung
Giới), hay ở Thiên Ðàng. Cái lý tưởng phụng sự nhân loại của bạn
phải được áp dụng ở những cảnh giới đó.
Lẽ cố nhiên cái sự lãnh đạm mà ta nói đây là
sự lãnh đạm đối với những nỗi vui buồn riêng tư của bạn chớ không
phải sự lãnh đạm đối với nỗi vui buồn của nhân loại mà bạn phụng
sự.
Muốn tiến hóa đến sự lãnh đạm này, bạn phải
đánh giá giác quan mình một cách đúng đắn, đừng thêm bớt sự quan
trọng của nó. Hiện nay khoa học và triết lý Tây phương trở nên duy
vật đến đổi sự thí nghiệm giác quan dựa theo kinh nghiệm mà không có
lý luận đã lãnh một vai tuồng quan trọng vượt quá mức nếu so sánh
với cái giá trị thực sự của nó. Tuy vậy, bạn cũng hãy nhớ rằng
sự thí nghiệm ấy có một giá trị lớn lao và nó giúp đỡ rất nhiều
trong việc giáo dục con người về Vũ Trụ. Trong đời sống huyền bí
của bạn là một kẻ phụng sự, khi người ta bảo bạn phải chinh phục
giác quan bạn phải hiểu rõ rằng nhiệm vụ của bạn là phải tự giải
thoát ra khỏi cái sự đánh giá quá cao vừa nói trên. Thỉnh thoảng
bạn nên từ bỏ những thú vui của giác quan, tuy nhiên, bạn chớ nên xem
sự từ bỏ này tự nó là một đức hạnh đặc biệt. Nói tóm lại, đó
chỉ là phương tiện dẫn đến cứu cánh, chớ không phải đó chính là
cứu cánh đâu. Sự tự chủ đòi hỏi Chơn Ngã phải ngự trị giác quan,
nó không có nghĩa là bạn đừng làm bổn phận mình vì sợ thú vui
giác quan.
Comments
Post a Comment